(VnMedia) - Chính phủ đã chính thức đồng ý cho Bộ Y tế điều chỉnh giá các dịch vụ y tế vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 tới đây. Theo đó, sẽ có 445 dịch vụ tăng giá.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Y tế cho biết, giá viện phí mới được tính theo nguyên tắc thu một phần viện phí và hướng đến tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ, chưa tính khấu hao tài sản cố định, tiền lương, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị có giá trị lớn.
Đối với một số loại thuốc, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế có giá trị lớn, từng người bệnh sử dụng khác nhau thì không tính vào mức thu của dịch dụ kỹ thuật y tế, được ghi chú cụ thể trong giá các dịch vụ và được thu theo thực tế sử dụng của người bệnh.
Trong hơn 400 danh mục dịch vụ, kỹ thuật y tế được điều chỉnh giá có một số điểm đáng chú ý gồm: phí khám bệnh từ 3.000 đồng/lượt tăng lên tối đa 20.000 đồng/lượt (với các bệnh viện tuyến Trung ương) và giảm dần theo các tuyến; giá giường bệnh thông thường tăng từ 10.000 đồng/ngày lên 18.000 đồng/ngày, giường bệnh ở các chuyên khoa đặc biệt là 20.000 đồng/ngày, những giường hồi sức đặc biệt mức thu tối đa là 160.000 đồng/ngày; giá siêu âm dao động từ 30.000-800.000 đồng/lần (phụ thuộc thiết bị và loại bệnh lý siêu âm chẩn đoán)...
Theo Cơ quan soạn thảo dự thảo điều chỉnh giá viện phí lý giải rằng, khi áp dụng giá viện phí mới, người bệnh sẽ được BHYT thanh toán toàn bộ mà không phải đóng thêm bất cứ một khoản thu nào khác cho bệnh viện như hiện nay. Tuy nhiên, hiện đối tượng tham gia BHYT mới chỉ chiếm hơn 60% dân số. Như vậy, gần 40% đối tượng dân số còn lại sẽ bị ảnh hưởng rất lớn khi giá viện phí tăng. Những đối tượng đã có BHYT cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ vì vẫn phải đồng chi trả. Thậm chí các đối tượng người nghèo, diện gia đình chính sách…, khi áp dụng viện phí mới vẫn phải đồng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc