TP.HCM: Đã có 12 trường hợp nhiễm não mô cầu

16:01, 03/02/2012
|

(VnMedia) - Ngày 2/2, bé gái tên P.T.T.V. 12 tuổi, ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân, sau khi xét nghiệm đã được xác định dương tính với vi khuẩn não mô cầu (NMC). Đây là trường hợp thứ 12 tại TP HCM được phát hiện nhiễm vi trùng viêm não mô cầu trong vòng chưa đầy 1 tháng trở lại đây.
 
Được biết, vào tối ngày 31/1, em V được người nhà đưa đến nhập viện tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM do sốt cao, nôn ói, nhức đầu, và có nổi tử ban ở bụng.
 
Qua khám lâm sàng, các bác sĩ thấy tử ban nổi ở cả hai chân và vùng bụng, có dấu hiệu nhiễm trùng huyết nghi do NMC gây ra.
 
Ngày 2/2, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi V dương tính với vi khuẩn NMC và viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu gây ra. Hiện bệnh nhân đã bớt sốt, hết nhức đầu.

Bệnh viêm não mô cầu dễ lây lan 

Bệnh NMC do vi trùng não mô cầu gây ra, tồn tại được trong cơ thể người và trú ở vùng hầu họng, khi có điều kiện thuận lợi, bệnh sẽ phát sinh. Thể nặng của bệnh là viêm màng não, nhiễm trùng huyết do não mô cầu, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không điều trị kịp thời. Nguy hiểm nhất là bệnh lây lan qua đường hô hấp, chủ yếu là trực tiếp từ giọt nước bọt bắn ra khi người bệnh tiếp xúc, nói chuyện trong khoảng cách gần (1,5 m). 

Theo các bác sĩ truyền nhiễm, viêm não mô cầu có thể để lại những biến chứng rất nguy hiểm nếu điều trị muộn. Bệnh nhân có nguy cơ bị di chứng về thần kinh, ảnh hưởng các dây thần kinh cảm giác, gây tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề tâm lý. Nếu biến chứng nghiêm trọng, có khi phải cắt bỏ các chi.

Để hạn chế bệnh NMC, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
 
Những người bệnh viêm họng trong thời gian này cần đi khám bệnh để điều trị, cách ly ở nhà, không đi học, đi làm. Trẻ bị bệnh phải được nghỉ học ở nhà theo dõi 10 ngày.
 
Giữ vệ sinh nhà cửa, môi trường lao động thoáng mát, thường xuyên mở hết các cửa; vệ sinh, lau chùi hoặc khử khuẩn mỗi ngày những nơi, vật dụng thường có tiếp xúc với bàn tay.
 
Giữ vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh viêm hô hấp cấp. Đồng thời, súc họng nhiều lần mỗi ngày bằng nước muối hoặc dung dịch Orafa.
 
Các triệu chứng bệnh cần phải đi khám ngay: Sốt cao, đau họng, nhức đầu dữ dội, trẻ đang khỏe mạnh bỗng nhiên đi loạng choạng, buồn nôn, nôn vọt, hoảng hốt, lơ mơ, trên da xuất hiện các vết tử ban màu tím. Ở nhà, không đi học, đi làm đến khi hết bệnh.
 
Người bệnh hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, nếu cần tiếp xúc phải mang khẩu trang và giữ khoảng cách 1,5 m với người khác.


Nhật Minh

Ý kiến bạn đọc