Tấm lòng Người thầy thuốc của nhân dân

16:50, 27/02/2012
|

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012; Sơ kết một năm thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Kỷ niệm 57 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. 

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng.

 Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTX  

Thưa các đồng chí và các vị đại biểu!

Hôm nay, tôi rất vui mừng tới dự Lễ kỷ niệm 57 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (ngày 27/2) của ngành Y tế, Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 và Sơ kết một năm thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thay mặt Chính phủ, tôi thân ái gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí!

Nhìn lại chặng đường 67 năm xây dựng và phát triển, 57 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Thầy thuốc như mẹ hiền", ngành Y tế nước ta đã lớn mạnh về mọi mặt, cả về mạng lưới các cơ sở y tế, cả về đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế và chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. (Năm 1954, cả nước chúng ta mới chỉ có khoảng 300 y bác sĩ, thì đến nay đội ngũ này lên tới 200 nghìn người, với trên 13.500 cơ sở khám chữa bệnh. Các chỉ tiêu sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt và tốt hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tuổi thọ bình quân của người dân nước ta năm 2011 đã đạt 73,2).

Kỷ niệm 57 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam đây cũng là dịp để chúng ta tiếp tục bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và cảm ơn những người thầy thuốc Việt Nam. Càng tự hào về truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn mà ngành Y tế nước ta đạt được, chúng ta càng nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, vượt qua khó khăn thách thức, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém, tiếp tục xây dựng ngành Y tế Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng cao hơn, tốt hơn nữa nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, xứng đáng với sự hy sinh, phấn đấu của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam, xứng đáng niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thưa các đồng chí,

Chúng ta kết thúc năm 2011, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 - 2020.

Bên cạnh thuận lợi cơ bản là những thành tựu to lớn, toàn diện của hơn 25 năm đổi mới, năm 2011 cũng là năm chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng nợ công ở một số nước châu Âu; lạm phát cao ở một số nền kinh tế vốn là thị trường nhập khẩu quan trọng của nước ta; biến động và mất ổn định chính trị, xã hội ở một số nước Trung Đông, Bắc Phi; thiên tai ở Nhật Bản, Thái Lan... đã tác động tiêu cực, nặng nề đến nhiều lĩnh vực ở nước ta. Lạm phát, lãi suất ở trong nước tăng cao, đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, thiên tai, bệnh dịch năm 2011 cũng rất nặng nề. Ngoài ra, chúng ta còn phải đối phó với các âm mưu, thủ đoạn và hành động nhằm gây mất ổn định chính trị của đất nước và đe dọa chủ quyền quốc gia trên biển đảo của chúng ta.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn quân, toàn dân, nhìn lại năm 2011, chúng ta vui mừng và trân trọng những thành tựu đã đạt được.

Trước hết, chúng ta đã thực hiện có kết quả nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Sáu tháng cuối năm CPI liên tục giảm, cả năm ở mức 18%; các cân đối vĩ mô được đảm bảo. Tỷ giá, lãi suất cơ bản được kiểm soát, ổn định, bội chi ngân sách đã giảm xuống còn 4,9%; dự trữ ngoại tệ tăng lên, cán cân thanh toán tổng thể được thặng dư trở lại; các cân đối khác của kinh tế vĩ mô như năng lượng, lương thực và các hàng hóa thiết yếu được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế (GDP) cả nước vẫn đạt 5,9%. Trong bối cảnh khó khăn chung, kết quả này là một thành tựu lớn của đất nước ta.

An sinh xã hội, phúc lợi xã hội vẫn được bảo đảm với các chỉ tiêu và nhiệm vụ đề ra từ đầu năm 2011 như giảm trên 2% tỷ lệ hộ nghèo cả nước, riêng 63 huyện nghèo giảm 5%; giải quyết được 1,6 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị khoảng 3,6%, các chính sách y tế, giáo dục được đảm bảo tốt hơn so với các năm trước. Công tác cứu trợ nhân dân vùng thiên tai, bão lũ của nhà nước, chính quyền các cấp được kịp thời, hiệu quả cùng với sự chia sẻ, đùm bọc của cả cộng đồng.

Cải cách hành chính tạo được môi trường thuận lợi hơn; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tuy chưa được ngăn chặn, đẩy lùi nhưng đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội Đảng XI, làm tốt công tác bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Quốc hội; kiện toàn hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền quốc gia trên vùng biển đảo được bảo đảm; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực, tạo thêm điều kiện thuận lợi để bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong thành tựu chung đó, có sự nỗ lực và đóng góp quan trọng, tích cực  của ngành Y tế chúng ta.

Thưa các đồng chí,

Qua báo cáo của Bộ, tham luận của các đồng chí và qua theo dõi chỉ đạo đối với ngành Y tế, tôi vui mừng là trong những năm qua và trong năm 2011 toàn ngành Y tế đã nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới và đạt được nhiều chuyển biến và kết quả tích cực. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển, nhiều bệnh dịch nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi, các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, nhiều công nghệ, kỹ thuật mới ngang tầm với các mước trong khu vực và thế giới được ứng dụng trong khám chữa bệnh; bảo đảm từng bước việc cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng lên (63%). Nhân dân ở hầu hết các vùng, miền đã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn; tốc độ phát triển dân số được kiểm soát. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan y tế đã được xây dựng và ban hành, phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội.

Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những thành tích, kết quả mà ngành Y tế đã đạt được trong năm 2011 vừa qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Y tế cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và vẫn còn những hạn chế, yếu kém, nổi lên là:

- Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế vừa đem lại những cơ hội thuận lợi cho phát triển ngành y tế, nhưng cũng đặt những yêu cầu mới về kiểm soát dịch bệnh và những thách thức trong lĩnh vực sản xuất thuốc, cung cấp dịch vụ y tế ứng dụng công nghệ cao ở trong nước.

- Ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội ngày càng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân dân; cơ cấu bệnh tật có nhiều thay đổi; chênh lệch về thu nhập trong nhân dân đang đặt ra những thách thức lớn đối với việc cung cấp dịch vụ y tế và bảo đảm công bằng trong khám, chữa bệnh; quy mô dân số vẫn tiếp tục tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao và đa dạng, tạo sức ép ngày càng lớn đối với việc cung cấp dịch vụ y tế; chi phí cho chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn, trong khi nước ta vẫn còn là một nước nghèo, đời sống đa số người dân còn nhiều khó khăn.

- Mô hình tổ chức hệ thống y tế còn chưa phù hợp, nhất là hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng; chưa kết hợp hài hòa giữa phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu với kiện toàn, phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Khả năng đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế; việc tiếp cận với chăm sóc y tế cơ bản ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

- Chất lượng khám, chữa bệnh còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân; thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh ở các bệnh viện công lập còn phức tạp, gây khó khăn cho người bệnh.

- Công nghiệp sản xuất thuốc chữa bệnh, các trang, thiết bị y tế còn chậm phát triển; sản xuất vaccine chưa đáp ứng yêu cầu đối với  một số dịch bệnh mới; công tác quản lý nhà nước về thuốc chữa bệnh vẫn chưa thật tốt, nhất là chất lượng và giá thuốc.

- Tình trạng quá tải vẫn diễn ra ở nhiều bệnh viện, nhất là các bệnh viện đa khoa trung ương, các bệnh viện chuyên khoa: Ung bướu, chấn thương chỉnh hình, nhi, tim mạch, phụ sản tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

- Công tác y tế dự phòng hiệu quả chưa cao. An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; sự gia tăng của một số dịch, bệnh như cúm A/H1N1, dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng, sự quay trở lại của một số dịch bệnh như cúm A/H5N1 và xuất hiện một số bệnh mới.

- Việc triển khai Luật Bảo hiểm y tế còn hạn chế, chưa thu hút được sự tham gia của người dân. Thủ tục khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế còn nhiều phức tạp, gây phiền hà cho người bệnh.

- Kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế còn hạn chế. Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và giá dịch vụ y tế trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập còn bất cập và chậm được đổi mới.

- Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế còn chưa đáp ứng yêu cầu; mất cân đối về cơ cấu và phân bổ ở các vùng, miền.

- Công tác dân số ở một số địa phương còn làm chưa tốt, mức sinh có nguy cơ tăng trở lại, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng; công tác kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn hạn chế; chất lượng dân số nói chung còn thấp.

Thưa các vị đại biểu, thưa các đồng chí,

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới được dự báo còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiệm vụ xuyên suốt trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2012 được xác định là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế; tích cực thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Quán triệt và thực hiện tốt nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển  kinh tế - xã hội năm 2012 có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo đảm giải quyết những khó khăn trước mắt, vừa tạo nguồn lực cần thiết để bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, trong đó ngành Y tế là một ngành đóng vai trò rất quan trọng.

Trong báo cáo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế (và trong phát biểu của đồng chí Bộ trưởng) đã đề cập khá đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác y tế. Tôi chỉ nhấn mạnh một số nhiệm vụ Ngành y tế cần tập trung làm tốt một số nội dung quan trọng như sau:

1. Phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở  và mạng lưới y tế dự phòng, để việc chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt nhất. Trong điều kiện ngân sách hạn chế Bộ Y tế cần khẩn trương nghiên cứu cập nhật và tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch hệ thống bệnh viện bảo đảm hiệu quả cao nhất, hết sức tránh phô trương, lãng phí.

2. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập gắn với việc thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân theo Luật Bảo hiểm y tế.

Tuyên truyền rộng rãi để nhân dân hiểu rõ và ủng hộ việc triển khai đề án điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế đã được Chính phủ cho phép thực hiện, gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Quản lý minh bạch và hiệu quả việc điều chỉnh giá thuốc chữa bệnh để phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân và góp phần bình ổn kinh tế vĩ mô.

3. Thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để từng bước giảm quá tải bệnh viện, tiến tới không để tình trạng người bệnh phải nằm ghép trong các cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sớm trình Thủ tướng Chính phủ "Đề án giảm tải bệnh viện", trước mắt tập trung ưu tiên giải quyết giảm quá tải cho các bệnh viện đa khoa Trung ương, các bệnh viện chuyên khoa về ung bướu, chấn thương chỉnh hình, nhi, tim mạch, phụ sản tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

4. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng thiết thực và hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng các bệnh viện đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dịch vụ y tế, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, bố trí quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư bệnh viện ngoài công lập, tạo sự phát triển lành mạnh trong khám, chữa bệnh cho nhân dân. Khẳng định năng lực, trình độ khám, chữa bệnh và nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân tin tưởng vào khả năng và sử dụng dịch vụ chữa bệnh trong nước.

5. Mở rộng các hình thức đào tạo nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng nhân lực cho các cơ sở y tế trong thời gian tới. Chú trọng đào tạo chuyên sâu, đào tạo để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ quản lý.

6. Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chủ động khống chế kịp thời và đẩy lùi các dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra.

Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh. Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe cho người cao tuổi. Giảm tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số.

7. Tăng cường giáo dục y đức, tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc hoàn thiện các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế.

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, cơ bản, lâu dài, gắn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 03, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 1973, yêu cầu ngành Y tế chúng ta tập trung thực hiện tốt các Chỉ thị này. Trong đó mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, chất lượng, hiệu quả công tác. Gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ của ngành, xây dựng và thực hiện chuẩn mực nghề nghiệp, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu, nâng cao y đức và chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của ngành Y tế, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thưa các đồng chí,

Nhiệm vụ đặt ra với ngành Y tế năm 2012 và các năm tiếp theo là rất  nặng nề. Tôi tin rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, ngành Y tế chúng ta sẽ tiếp tục đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng phát huy thành tựu và truyền thống tốt đẹp của mình, nỗ lực phấn đấu để đạt được những chuyển biến, những kết quả to lớn hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

 Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, một lần nữa tôi xin chúc các thế hệ  Y, Bác sĩ, các thế hệ lãnh đạo, các cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp cao cả của mình, xứng đáng với danh hiệu cao quý "Người thầy thuốc của nhân dân" như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Xin cảm ơn các đồng chí.


(theo GĐ&XH)

Ý kiến bạn đọc