Abraham Lincoln mơ thấy một vụ ám sát chỉ 2 tuần trước khi ông bị bắn chết. Sau tai nạn tàu Titanic, hàng chục tài liệu nêu ra những trường hợp hủy vé vì mơ thấy tàu đắm. Phải chăng, giấc mơ có thể cho chúng ta biết trước tương lai?
Thảm họa Aberfan là sự kiện gắn với nhiều nghiên cứu về giấc mơ tiên tri.
Một trong những sự kiện nổi tiếng nhất gắn với câu chuyện về giấc mơ tiên tri là thảm họa xảy ra tại Aberfan, một ngôi làng nhỏ nằm ở miền nam xứ Wales (Anh).
Một buổi sáng cuối tháng 10/1966, sau một đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nửa triệu tấn chất thải từ mỏ than đã chôn vùi ngôi trường tiểu học của làng, làm gần 150 học sinh và giáo viên thiệt mạng.
Trong dòng người đổ về Aberfan sau vụ sạt lở có John Barker, một chuyên gia tâm thần học rất quan tâm đến các hiện tượng siêu nhiên.
Ông tin rằng, một sự kiện bi thảm như vậy hẳn phải có điềm báo trước. Và Barker đã thuê một tờ báo đăng tin tìm những người đã linh cảm thấy thảm họa.
Thật đáng ngạc nhiên là chỉ trong một thời gian ngắn, ông nhận được khoảng 60 lời hồi âm. Cha mẹ một bé gái 10 tuổi đã chết trong thảm họa viết thư kể rằng, một ngày trước đó, con gái họ đã mơ thấy mình đi học, nhưng "trường không còn ở đó nữa" vì "một thứ màu đen đã chôn vùi tất cả".
Một phụ nữ mô tả tỉ mỉ giấc mơ bà đã trải qua vào đêm trước vụ sạt lở. Trong mơ, bà thấy một nhóm trẻ bị kẹt trong một căn phòng hình chữ nhật, cuối phòng bị chặn bởi nhiều thanh gỗ lớn. Bọn trẻ cố trèo qua nhưng không được.
Một người khác cho biết hơn 2 tháng trước đó, bà đã mơ thấy một ngôi trường trên sườn đồi và một vụ lở đất mà nạn nhân hầu hết là trẻ em.
Chúng ta nằm mơ nhiều hơn vẫn tưởng
Kết quả khảo sát của John Barker, tuy có thể khiến một số người rợn tóc gáy. Nhưng trên thực tế, việc tin rằng mình mơ thấy tương lai không phải là hiện tương cá biệt mà xảy ra ở khoảng 1/3 nhân loại.
Các nhà khoa học nghiên cứu về giấc ngủ cho biết, mỗi đêm, chúng ta trải qua trung bình 4 giấc mơ, mỗi lần kéo dài khoảng 20 phút và cách nhau khoảng 90 phút.
Nhưng khi thức dậy, ta hầu như không nhớ rằng mình đã mơ. Chúng ta thường chỉ nhớ nếu đột ngột bị tỉnh giấc khi đang mơ. Khi đó, chúng ta có thể nhớ được nội dung chính và có thể là vài đoạn của giấc mơ.
Nhưng nếu nó không gây ấn tượng đặc biệt thì rồi cũng nhanh chóng bị lãng quên.
Ngược lại, nếu trong quãng thời gian ngắn ngủi mà ký ức về một giấc mơ chưa bị xóa sạch, chúng ta gặp một sự việc gì đó tương tự trong cuộc sống hằng ngày thì đột nhiên, giấc mơ đó sẽ được hồi tưởng lại rất nhanh.
Trí tưởng tượng của chúng ta sẽ tự động thêm bớt các chi tiết để giấc mơ gần hơn với thực tế. Và chúng ta tin rằng, mình thực sự đã mơ thấy trước tương lai.
Giấc mơ tiên tri hay chỉ là chuyện tình cờ?
Lý giải về những giấc mơ tiên tri trong sự kiện Aberfan, chuyên gia tâm lý học Richard Wiseman (Đại học Hertfordshire, Anh) lật lại kết quả khảo sát của John Barker và khẳng định, 36 trong số các trường hợp cho rằng mình đã mơ thấy vụ sạt lở không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cho thấy họ đã ghi lại hoặc kể cho ai đó về giấc mơ trước khi thảm họa xảy ra.
Họ có thể có hàng chục, hàng trăm giấc mơ khác trước khi nghe về Aberfan, nhưng chỉ nhớ và kể lại giấc mơ liên quan đến sự kiện này. Thông tin vì thế không khách quan và thuyết phục.
Ngay cả những câu chuyện như cô bé nạn nhân 10 tuổi mơ thấy ngôi trường bị vùi lấp dưới "một thứ màu đen" cũng không có gì khó giải thích.
Theo Wiseman, từ cuối những năm 1960, các nhà khoa học đã xác định được rằng nội dung của giấc mơ không chỉ chịu tác động từ các sự kiện xảy ra xung quanh chúng ta, mà còn phản ánh những gì chúng ta lo lắng.
Ở Aberfan, vài năm trước thảm họa, chính quyền và người dân địa phương đã cảm thấy bất an khi để các chất thải của mỏ than ở sườn đồi. Có thể những lời kêu ca, bàn tán của người lớn về nguy cơ sạt lở đã đi vào giấc mơ của cô bé.
Richard Wiseman còn cho rằng, đối với 23 trường hợp có bằng chứng về việc họ đã kể lại giấc mơ trước khi thảm họa xảy ra thì vẫn có cách giải thích bằng cách áp dụng Luật số lớn.
Lấy ví dụ một người bình thường tại Anh, nằm mơ hàng đêm từ năm 15 - 75 tuổi. Trong quãng thời gian này, ông ta sẽ có 21.900 đêm nằm mơ.
Giả sử những sự kiện như vụ sạt lở ở Aberfan chỉ xảy ra một lần trong mỗi thế hệ vào bất cứ thời điểm nào và người nói trên sẽ nhớ được giấc mơ về thảm họa như vậy chỉ một lần trong đời.
Khả năng để ông ta nằm mơ thấy thảm họa vào đêm trước khi nó xảy ra chỉ là khoảng 22.000:1. Nhưng vào những năm 1960, khi xảy ra vụ Aberfan, nước Anh có tới 45 triệu dân, nên cứ 1 trong số 22.000 hay khoảng 2.000 người có thể trải qua giấc mơ này.
Trong thực tế, những thảm họa như sóng thần, động đất, hỏa hoạn, ám sát... xảy ra hằng ngày trên khắp thế giới.
Còn theo thống kê của các nhà khoa học, 80% các giấc mơ của con người có nội dung liên quan đến các sự kiện tiêu cực. Vì thế, nếu có mơ thấy trước một thảm họa thì cũng chỉ là chuyện ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này của Richard Wiseman. Robert McLuhan, một nhà báo người Anh đã hơn 20 năm nghiên cứu các hiện tượng siêu nhiên cho rằng, khi các giấc mơ có nhiều chi tiết đặc biệt trùng hợp với một sự kiện xảy ra sau đó thì không thể giải thích bằng các quy luật xác suất.
McLuhan dẫn chứng một trường hợp được nêu trong tuyển tập các bài nghiên cứu "Một trải nghiệm với thời gian" xuất bản đầu thế kỷ XX của kỹ sư J.W.Dune, một tài liệu có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khả năng tiên tri của con người. Một người nằm mơ gặp một phụ nữ bị nghi là gián điệp của Đức, mặc áo kẻ, đứng trong một khu vườn.
Vài ngày sau, người nằm mơ đến một khách sạn. Ở đó, bà nghe nhiều người bàn tán về một phụ nữ mà họ nghi là gián điệp. Khi gặp người này, bà rất sửng sốt khi thấy các chi tiết về khu vườn, chiếc áo... hoàn toàn giống hệt như trong giấc mơ.
David Ryback, một nhà tâm lý học tại Atlanta (Mỹ) đã sử dụng bảng câu hỏi để khảo sát 433 sinh viên về giấc mơ tiên tri. Kết quả cho thấy, 66,9% cho rằng họ đã từng có những giấc mơ như vậy. Bằng nhiều phương pháp loại trừ, cuối cùng, Ryback kết luận rằng, 8,8% thực sự mơ thấy trước tương lai. |
Ý kiến bạn đọc