Những vị thuốc ngâm rượu trong y học cổ truyền như bọ cạp, ong mật, ve sầu... đã trở thành quen thuộc trong dân gian. Tuy nhiên, để phát huy tác dụng thì phải biết cách chế biến, sử dụng, chứ không thể làm theo cách "chẳng bổ âm thì bổ dương".
Lương y Phó Hữu Đức, Chủ tịch Hội Đông y quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, theo Đông y, ong đen còn gọi là ong vò vẽ có vị ngọt chua, tính hàn, không độc, vào hai kinh vị và đại trường. Có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, trừ phong. Dùng trong những trường hợp sâu răng, miệng lở loét, đau cổ họng, trẻ con kinh phong bằng cách ngày dùng 2 - 4 con hoặc 2 - 3g tán nhỏ uống.
Thực tế cũng chưa có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác dụng của rượu ngâm ong, mà chỉ sử dụng trong dân gian. Dân ta dùng 100 - 150 con ong vò vẽ bỏ cánh, ngâm trong rượu 40 - 450. Để rượu chừng 100 ngày rồi lấy ra uống mỗi tối một chung hạt mít. Rượu này chữa đau khớp. Tuy nhiên, nọc ong độc nên người suy thận không được dùng.
Ngoài sử dụng ong vò vẽ ngâm rượu, nhiều người còn sử dụng ong đất. Đây là loại ong hay làm tổ dưới đất, hoặc trong thân cây mục. Nọc ong đất độc. ông Phùng Hữu Chính, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ong chia sẻ, đồng bào dân tộc hay lấy ấu trùng và cả ong trưởng thành ngâm rượu làm thuốc tăng lực, trị đau lưng, mỏi lưng, đau đầu. Tuy nhiên, giống ong này rất độc, nọc độc của nó thôi ra rượu dễ gây ngộ độc.
TTND Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, rượu ngâm ong chỉ là cách dân gian hay dùng, chứ trong sách hoặc nghiên cứu thì chưa thấy. Theo sách cổ có ghi ong vị ngọt, tính bình, tác dụng vào kinh vị, tiêu độc, trừ phong, sát trùng. Sử dụng thì lấy tổ ong, bỏ hết con non và nhộng ở trong, rửa thật sạch, phơi khô và sấy khô có tác dụng trị mụn nhọt, nhất là chứng cốt thư (đau xương), viêm xương hoặc do cảm nhiệt hàn thấp gây ra. Liều dùng từ 4 - 8g, những người u nhọt vỡ mủ không được dùng.
Rượu ong đất không bổ béo, không tác dụng như lời đồn. Người dân thường hiếu kỳ sử dụng rồi mua và truyền nhau. Vì ong đất nọc quá độc, uống vào sẽ gây hại cho gan, thận, dị ứng, mẩn ngứa...
Theo ông, trong dân gian thường ngâm các con ong trưởng thành hoặc ngâm cùng với ấu trùng và nhộng của chúng (ong mật, ong vò vẽ, ong đất) trong rượu trắng để làm rượu thuốc có tác dụng bồi bổ sức khoẻ. Một số nơi còn xào nhộng ong đất để ăn nhưng phải bỏ ruột, mật, đầu, cánh, chân chứ không phải xào lung tung mà ăn được. Loại nhộng để ăn cũng là loại nhỏ tí, chứ chưa ai ăn con ong trưởng thành.
(Theo Khoa học & Đời sống)
Ý kiến bạn đọc