Thấy tiếng máy phát điện vẫn nổ rền nhưng cửa nhà đóng kín, gọi không thấy ai mở, người dân phá cửa xông vào và phát hiện cả gia đình anh P. nằm bất động.
Hơn nửa tháng trôi qua kể từ ngày tai nạn xảy ra tại gia đình anh V.T.P. (34 tuổi, ngụ tại Gò Quao, Kiên Giang) nhưng khi nhắc lại buổi tối mất điện (19/12/2011) hôm đó, nhiều người còn “ớn lạnh”. Chính chiếc máy phát điện là thủ phạm đã cướp đi sinh mạng đứa con trai mới lên 3 tuổi của vợ chồng anh P. đồng thời khiến anh chị và đứa con gái 10 tuổi phải nhập viện vì ngạt khí CO.
Sau khi được sơ cứu tại BVĐK Cần Thơ, bé V.T.D.V. được chuyển cấp cứu lên BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng hôn mê, tím tái, nhịp tim nhanh, gồng chi từng cơn. Xét nghiệm khí máu động mạch cho thấy V. biểu hiện toan chuyển hóa rất nặng. Ngay lập tức bác sĩ đã tiến hành hỗ trợ hô hấp thở máy oxy liều cao, chống gồng giật, chống phù não và chăm sóc dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.
Sau một tuần được điều trị tích cực, đến ngày 5/1/2012, tình trạng của bệnh nhi dần cải thiện, cháu được cai máy thở và đã tỉnh táo. Về phần vợ chồng anh P. cũng đã được chuyển lên BV Chợ Rẫy điều trị, hiện sức khỏe đang dần bình phục.
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, BV Nhi Đồng 1, khí CO được tạo ra do quá trình đốt cháy không hoàn toàn chất hữu cơ có chứa carbon trong các đám cháy nhà, cháy rừng, khói từ máy phát điện hay từ động cơ ô tô, mô tô hoặc do đốt quá nhiều nhang đèn nơi thờ miếu trong khuôn viên kín, không thông khí tốt.
Khí CO vào máu sẽ làm giảm quá trình vận chuyển oxy đến mô, dẫn đến ngạt tế bào, làm ảnh hưởng co bóp cơ tim. Người hít phải nhiều khí CO thường có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, thở nhanh sâu, rối loạn ý thức, hôn mê, rối loạn nhịp tim,… đưa đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
(Theo Dân trí)
Ý kiến bạn đọc