Các bệnh dễ mắc ngày Tết

14:56, 26/01/2012
|

(VnMedia) - Ngày Tết, ăn uống không hợp lý, không có giờ giấc, từ trẻ nhỏ đến người già rất dễ mắc một số bệnh. Do vậy, chúng ta cần phải phòng tránh và xử lý kịp thời để đón xuân một cách vui vẻ, trọn vẹn.

Ảnh minh họa



Ngộ độc thức ăn

Nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn có thể là dùng thức ăn kém vệ sinh hoặc ôi thiu, nhưng cũng có thể do không quen thức ăn hoặc ăn cùng lúc những món kỵ nhau. Biểu hiện thường là nôn ói và đi tiêu chảy.

Để xử lý trường hợp bị ngộ độc thức ăn, nếu bị nhẹ bạn không cần dùng thuốc đi ngoài, mà hãy để cơ thể thải hết chất độc. Mặt khác, tìm cách nôn ra hết thức ăn đó và bổ sung nước orezol để bù lại lượng nước và muối đã mất. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy thì tốt nhất không nên cho trẻ ăn thực phẩm cũ, được hâm đi hâm lại, các món dưa chua, ngâm giấm, các loại mứt, bánh kẹo nhiều.

Dị vật đường thở

Trong những ngày Tết trẻ em lúc chạy, nhảy, vui đùa, cười nói ăn đồ ăn sẽ dễ bị tắc nghẽn ở khí quản, người lớn vừa ăn vùa nói chuyện dễ bị hóc xương cá, xương vụn hay vật lạ gì đó.

Khi trẻ em bị mắc nghẽn thức ăn, vật lạ trong khí quản, đầu tiên bạn không để cho trẻ khóc thét lên, sau đó ôm trẻ cho đầu trẻ chốc xuống dưới, nửa người trên của trẻ phải thấp hơn phần mông, sau đó dùng tay vỗ mạnh vào lưng, giúp bật vật lạ ra. Nếu vật lạ vẫn không ra được thì nên lập tức đưa trẻ đến bệnh viện. Nếu bị hóc xương cá, xương gà ở thực quản, bạn nên lập tức ngừng ăn uống. Nếu xương hóc ở nơi có thể nhìn thấy được thì bạn dùng nhíp tẩy trùng sạch và gắp ra. Nếu vị trí khá sâu thì bạn nên lập tức đến bệnh viện xử lý.

Táo bón

Chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ, dùng nhiều đồ cay, nóng và thiếu vận động là nguyên nhân của bệnh táo bón. Vì vậy, dù các loại thịt hấp dẫn bạn, nhưng vẫn phải nhớ ăn 300  -  400g rau, quả/ngày và uống từ 1,5   - 2 lít nước mỗi ngày.

Cảm lạnh và bệnh đường hô hấp

Viêm họng, cúm, viêm phế quản, viêm xoang, cảm lạnh là những căn bệnh thường gặp trong mùa Tết. Do tiết trời ẩm và không khí lạnh, lại thường đi lại nhiều, nên trẻ nhỏ và người già dễ mắc cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp. Khi cảm lạnh kéo dài quá một tuần thì có khả năng bạn đã bị cúm hoặc cảm lạnh ở giai đoạn nặng sẽ dẫn đến viêm phổi, phế quản, viêm xoang...

Cách phòng bệnh tốt nhất là mặc ấm khi trời lạnh, không dùng chung khăn mặt và bàn chải đánh răng với người khác, che miệng khi ho và hắt hơi. Nếu bị cảm lạnh, nên dùng nước đường nóng có vài lát gừng nướng chín, đồng thời bổ sung vitamin C và ăn cháo gà nóng để nâng cao sức khoẻ.
 
Bệnh tim mạch                  
  
Dịp Tết đến, ngoài sự gia tăng đến chóng mặt của các trường hợp tai nạn giao thông, thì sự gia tăng của các bệnh nhân bị bệnh tim mạch, số tử vong tăng lên do đột quỵ, do nhồi máu cơ tim, do cao huyết áp tại các bệnh viện trước dịp gần Tết và sau Tết.

Sự gia tăng của các bệnh nhân bị bệnh tim mạch, số tử vong tăng lên do đột quỵ, do nhồi máu cơ tim, do cao huyết áp tại các bệnh viện trước dịp gần Tết và sau Tết.

Nguyên nhân chính là những lo âu công việc, nợ nần của năm cũ, những thói ăn uống bất hợp lý "no dồn, đói góp". Những người có tiền sử bệnh cần tuần thủ theo đúng phác đồ điều trị, và không quên đo huyết áp, nhịp tim vào những giờ cố định trong ngày. Cách phòng tránh bệnh tim mạch tốt nhất trong những ngày Tết là phải thay đổi quan niệm cuộc sống: "Hãy chơi Tết thay vì ăn Tết".

Gan nhiễm mỡ
 
Đây là bệnh dễ mắc phải đối với các quý ông. Gan nhiễm mỡ là biểu hiện đầu tiên của bệnh gan mà nguyên nhân có thể phân thành nhiều loại như gan nhiễm mỡ do dinh dưỡng, do hóa chất, do nội tiết, do vi sinh vật, do di truyền, do miễn dịch... Thời gian ăn uống vào dịp Tết thường không điều độ, có thể gây rối loạn sự cân bằng trong quá trình chuyển hóa chất béo. Đây là nguyên nhân của việc hình thành gan nhiễm mỡ.  
 
Mặt khác, thói chúc tụng nhau bằng việc ép uống rượu bia, nhất là ở các miền quê có thể tích tụ lại dẫn đến gan nhiễm mỡ, viêm gan. Bất cứ người nào uống rượu nhiều, ngay cả uống chỉ vài ngày cũng sẽ dễ phát triển thành gan nhiễm mỡ, tế bào gan sưng lên chứa mỡ và nước. Viêm gan do rượu có thể gây tử vong, đặc biệt nếu có tổn thương gan trước đó.   
 
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán mức độ tổn thương gan. Chẩn đoán chính xác nhất là sinh thiết gan. Vì vậy, không nên uống hơn 2 cốc rượu nhỏ một ngày. 
 
Bệnh tiểu đường

Trong những ngày Tết, ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo cao, người mắc bệnh tiểu đường thì đường trong máu rất dễ tăng cao, một số người bệnh không uống thuốc đúng giờ, nếu để lỡ quên uống thuốc sẽ có cảm giác buồn nôn.
 
Trong những ngày Tết bạn nên khống chế lượng thức ăn và uống rượu. Ngoài ra không nên ham vui trong những ngày Tết mà tự mình thay đổi lượng thuốc uống, thuốc uống không đúng liều lượng rất dễ gây ra đường máu thấp. Nếu vì quên uống và xuất hiện các chứng nôn mửa, khó chịu thì nên kịp thời đến bệnh viện kiểm tra.


Nhật Minh

Ý kiến bạn đọc