(VnMedia) - Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo “suối nguồn tình thương” tiếp nhận trẻ em về nuôi dưỡng không chỉ được sống trong vòng tay yêu thương của quý Thầy, quý Cô, quý Phật tử, mà còn lớn lên trong môi trường Phật giáo thuần tịnh, từ bi và trí tuệ.
Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo “Suối nguồn tình thương” - là Cô nhi viện đầu tiên của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tọa lạc tại thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, được khánh thành cách đây 2 năm (2012), có khuôn viên rộng hơn 5.500 m2 với kiến trúc hài hòa trong một không gian thân thiện kết hợp giữa đạo và đời.
Nơi đây được thiết kế nổi bật là Thánh tượng Bồ tát Quan âm Thị Kính cao 18m, một mẫu hình mẹ Quan âm gần gũi với trẻ thơ, đặc biệt mang bản sắc tinh thần Việt, nằm trong quần thể còn có nhiều tượng phật, khu vực niệm, phật đường, học đường, chay đường… và khu nhà nuôi trẻ gồm 21 phòng có thể nuôi dạy hơn 200 trẻ dưới 16 tuổi... tạo cho các em cảm giác sống trong mái nhà chung ấm áp mang hơi ấm gia đình.
Đây còn là nơi những trẻ em bất hạnh, lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa của tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được tiếp nhận nuôi dưỡng, không chỉ phát triển về thể chất, trí tuệ mà còn được hình thành một đời sống tâm linh, một nhân cách tốt đẹp dưới ánh từ quang của Phật pháp.
Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (tháng 9/2007) trong quá trình thi công làm 54 người chết, nhiều người bị thương… khiến cho số lượng trẻ mồ côi, lang thang tăng nhanh và nhiều gia đình lâm vào cảnh bần cùng, khốn khó do hệ quả nặng nề của vụ tai nạn mang lại. Bằng tấm lòng cảm thương sâu sắc và lòng bi mẫn hằng có của người con Phật, Đại đức Thích Phước Ngọc cùng các phật tử gần xa đã kêu gọi các tăng ni, phật tử trên mọi miền tổ quốc chung tay làm từ thiện, góp phần không nhỏ sức người, sức của cùng chính quyền địa phương đến từng nhà, ngõ xóm có người bị nạn kịp thời phát tâm cứu giúp các gia đình sớm qua cơn bĩ cực, ổn định cuộc sống.
Đại đức Thích Phước Ngọc, trụ trì Chùa Phước Quang chia sẻ: Những ánh mắt thơ ngây khóc mẹ, tìm cha đã làm day dứt làm sao có được mái nhà chung làm nơi nương tựa, một mái ấm cho các tâm hồn trẻ thơ đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vụ tai nạn sập đường dẫn cầu Cần Thơ và bao em thơ khác trong và ngoài tỉnh đang phải sống cảnh màn trời, chiếu đất với nhiều hoàn cảnh éo le, lầm lũi không chốn nương thân, đứa nơi gầm cầu, đứa nơi xó chợ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đau đáu ước mơ có ngày cùng bạn bè cắp sách tới trường đang cần được xã hội, cộng đồng chở che.
Đại đức Thích Phước Ngọc, trụ trì Chùa Phước Quang trăn trở gây dựng nên một cơ sở để thu nạp các em thơ bất hạnh và quyết tâm biến suy nghĩ thành hành động. Ngay từ những ngày đầu tháng 8 năm 2008, Đại đức đã lập ngay đề án nêu bật thực trạng, tính cấp thiết, mục tiêu của việc làm hướng thiện đầy đủ tính nhân văn và thuyết phục về quy mô, tiêu chuẩn về chất cũng như về lượng khởi nguồn với tên gọi “Suối nguồn tình thương”- đây là Cô nhi viện đầu tiên của Trung ương Giáo hội Việt Nam để trình lên các cấp từ Ban Trị sự phật giáo tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long.
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Đề án được chấp thuận sau một tháng (9/2008) cho phép xây dựng Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo “Suối nguồn tình thương”. Đến năm 2012, sau gần 5 năm xây dựng với tổng kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí của các mạnh thường quân, phật tử, các hảo tâm quyên góp với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cùng giúp đỡ, chia sẻ với những khó khăn, những tấm lòng nhân ái đã đồng hành cùng Đại đức Thích Phước Ngọc và Ban Kiến Tạo để có Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo “Suối nguồn tình thương” đi vào hoạt động. Đây không những là mái nhà chung mang một diện mạo hiện đại, khang trang nhưng trầm mặc kết hợp hài hòa giữa đạo và đời mang hơi ấm tình yêu thương của bao tấm lòng dành cho các trẻ bất hạnh, mà còn là chốn linh thiêng, uy nghiêm cho Phật tử xa gần đến thọ tu Phật pháp.
Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo “Suối nguồn tình thương” tiếp nhận trẻ em về nuôi dưỡng không chỉ được sống trong vòng tay yêu thương của quý Thầy, quý Cô, quý Phật tử, mà còn lớn lên trong môi trường Phật giáo thuần tịnh, từ bi và trí tuệ. Các em không chỉ được học văn hóa, hướng nghiệp mà còn được học Phật Pháp, tụng kinh.
Qua từng lời giải thích, hướng dẫn của Đại đức Thích Phước Ngọc, Giám đốc Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo “Suối nguồn tình thương” chúng tôi càng cảm nhận được thật nhiều bao tâm huyết mà thầy đã đổ vào ngôi nhà chung để làm điểm dừng chân cho bao số phận cô nhi, lang thang bất hạnh này. Nhiệt huyết ngời lên trong từng ánh mắt, nhưng ẩn sâu trong đó chúng tôi cũng đọc được những trải nghiệm thăng trầm mà thầy đã gánh vác bây giờ, nhưng đó là một sự trải nghiệm trong tĩnh tại và thầm lặng, nó khiến tôi cảm nhận như đang nhìn vào mặt hồ không gợn sóng nhưng dưới đáy hồ đã chứa đầy sỏi đá mà đời ném xuống....
Một điều khiến chúng tôi càng thấy đây đúng là một nơi đầy yêu thương như chính cái tên mà người sáng lập ra nó đã chọn, các trẻ tại đây từ sơ sinh cho đến trưởng thành, đều có nơi ở, nơi ăn, nơi học hành, tu tập một cách ngăn nắp, sạch sẽ, an toàn và đặc biệt là có tính kỷ luật, tự lập rất cao. Nhìn một em bé chừng 6 tuổi biết tự gấp chăn mình buổi sáng khi thức dậy theo tiếng kẻng chúng tôi cảm nhận được hơn lời Bác Hồ đã dạy “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Hay hình ảnh chú tiểu nhỏ ba chóp ngồi nói chuyện, vui chơi với người em mù bé nhỏ, cùng với lời chào “A Di Đà Phật” của các em khiến chúng tôi dâng lên niềm xúc cảm khó tả ... đúng như cảm xúc ban đầu chúng tôi cảm nhận, nơi này là đến để yêu thương... Ngoài giờ học các em còn phụ giúp các thầy, các phật tử dọn dẹp sân vườn, chăm sóc cây cối và tự tay các em còn chăm sóc khu vườn sinh thái trồng rau, củ, quả cải thiện nguồn thức ăn cho trung tâm…
Nhiều đứa trẻ bất hạnh đã lớn lên từ đây, được yêu thương, chở che, được tiếp thu tinh thần Phật pháp từ bi, hỷ xả. Ngày càng nhiều người dân, phật tử khắp nơi tìm đến trung tâm bày tỏ lòng nhân ái, tinh thần thiện nguyện và đóng góp chút công sức nhỏ bé giúp những cảnh đời lang thang, cơ nhỡ tìm được chốn bình yên… mà còn có thể đảnh lễ tôn tượng Bồ Tát Quan Âm Thị Kính.
Đại đức Thích Phước Ngọc chia sẻ “tôn tượng Quan Âm Thị Kính xây bề thế nhằm ba lí do: một là đây là mẫu Quan Âm thuần Việt, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam ta, cần được nhân rộng và phổ biến; hai là hình ảnh mẹ bồng con rất thân thương và phù hợp với tâm tư của những cô nhi được nuôi tại đây; ba là sự kế thừa, cần phát huy và quang đại, để khẳng định Phật Giáo mãi luôn là một tôn giáo gắn liền Từ bi & Trí Tuệ đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc, đồng thời cũng mong đây là một dấu ấn khó phai trong lòng những ai đã từng hành hương về vùng đất chín rồng”.
Tạm biệt Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo “Suối nguồn tình thương” trong lòng chúng tôi đan xen, những vui buồn lẫn lộn, vui vì có bao tấm lòng phật tử cùng với đại đức Thích Phước Ngọc đã dày công vun đắp xây dựng Trung tâm và đón các cháu lang thang cơ nhỡ, gặp hoàn cảnh éo le, bất hạnh nuôi lớn nên người, buồn vì nhẽ ở đời còn nhiều gia đình nghèo quá, còn nhiều trẻ gặp phải hoàn cảnh éo le bất hạnh cần được xã hội, cần được những tấm lòng từ tâm thắp sáng ước mơ những mảnh đời bất hạnh.
Chia tay chúng tôi Đại đức Thích Phước Ngọc, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Phước Quang hoan hỉ nói rằng: Thầy trò Trung tâm luôn cảm tạ những tấm lòng của phật tử khắp mọi miền cùng sẻ chia và đồng hành cùng Trung tâm. Mong cho xã hội ta, đất nước Việt Nam ta nói chung ngày càng giàu đẹp lên, hòa bình, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ. Các công dân Việt Nam nói riêng luôn hạnh phúc hơn, giàu có hơn, không những có cơm no, áo ấm mà có cơm ngon, áo đẹp để không còn các em thơ lang thang, cơ nhỡ, bất hạnh. Cầu mong đất nước ta dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Ý kiến bạn đọc