Sử dụng siro cho trẻ thế nào cho đúng?

19:47, 11/11/2014
|

(VnMedia) Hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm dưới dạng siro được quảng cáo là kích thích trẻ ăn ngon, giúp trẻ phát triển chiều cao nhanh hơn. Điều đáng nói là nhiều phụ huynh chưa biết cách chọn lọc khi tiếp nhận những thông tin quảng cáo như vậy, họ lầm tưởng đó là những sản phẩm có thể sử dụng tùy ý.

  Ảnh minh họa

Cân nhắc khi cho trẻ sử dụng siro. Ảnh minh họa.



Chị Đào Thị Thảo ở Văn Phú, Hà Đông, có con trai đã vào lớp 1 tâm sự rằng bé nhà chị phát triển bình thường nhưng chiều cao có phần hạn chế hơn so với các bạn cùng lứa. Điều này khiến chị Thảo hết sức lo lắng. Chị tìm nhiều phương pháp từ việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, cho con uống sữa tăng trưởng chiều cao… nhưng kết quả có vẻ không khả quan. Nghe bạn bè giới thiệu về một loại siro tăng chiều cao nhanh mà dễ uống, chị Thảo đã mua và cho cho con uống hàng ngày với suy nghĩ càng uống nhiều càng tốt.

Còn chị Nguyễn Huyền Trang ở Cầu Giấy, Hà Nội thì có tới cả một tủ các loại siro dành cho cô con gái mới 18 tháng tuổi. Chị cho biết cũng thường xuyên cho con uống siro vì nghĩ thành phần trong siro là tự nhiên, không gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Khá nhiều người nuôi con nhỏ cũng có cùng suy nghĩ với chị Trang, chị Thảo. Họ coi các loại siro là một dược phẩm an toàn. Nên khi con có bất kỳ một dấu hiệu khác thường về sức khỏe như sổ mũi, nhức đầu, ho, biếng ăn…các mẹ đều coi siro là lựa chọn hàng đầu.

Trên thực tế, không phải tất cả các loại siro đều là thực phẩm chức năng để có thể dùng một cách tùy tiện như nhiều ông bố, bà mẹ thường nghĩ. Đã có không ít trường hợp do lạm dụng siro, trẻ phải nhập viện điều trị. Thậm chí, với một số loại siro như siro điều trị ho, nếu dùng quá liều có thể nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Theo PGS.TS Hồ Bá Do - Giảng viên Cao cấp Bệnh viện Quân y 103 thì siro có hai loại: Một là thuốc dạng siro và gần đây có thêm siro thực phẩm chức năng. Thuốc siro là dạng lỏng, có vị ngọt, sánh, có hai thành phần chủ yếu: Thứ nhất là dược chất có nguồn gốc từ hóa dược và thảo dược. Thành phần thứ 2 là đường saccaroza, chính là đường ăn hàng ngày và chiếm tỷ lệ cao trong siro. Nếu cha mẹ không biết, tự ý cho con sử dụng, đôi khi lại phản tác dụng, thậm chí có hậu quả khôn lường.

Ngoài tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ Do còn đưa ra một số nguyên tắc cơ bản để các bậc phụ huynh tham khảo khi cho con sử dụng siro. Đó là:

- Không cho trẻ uống siro trước bữa ăn vì thuốc có hàm lượng đường cao có thể ức chế tiết dịch tiêu hóa. Mặt khác, đường được hấp thu rất nhanh, đường trong máu trẻ tăng lên gây “ngang dạ” làm cho trẻ kém ăn.

- Không cho trẻ uống trước khi đi ngủ vì chất đường bám vào răng dễ lên men chua, làm hỏng men răng, gây sâu răng. Nếu cho trẻ dùng thuốc siro vào buổi tối, sau đó cần uống nhiều nước, súc miệng kỹ, nếu trẻ lớn có thể đánh răng được thì nhất thiết phải đánh răng kỹ.

- Với các loại thuốc bổ máu có chất sắt (Ferinsol, Tot'hema, sắt peptonat hòa tan...), nếu dùng cho trẻ em bị thiếu máu do thiếu sắt, tránh cho thuốc tiếp xúc trực tiếp với răng, vì dễ làm cho răng có màu nâu xỉn. Có thể dùng ống hút, nhỏ giọt hoặc dùng thìa đưa sâu vào miệng trẻ.

- Không cho trẻ uống thuốc cùng với sữa bò, hoặc uống vào sát thời điểm bú mẹ để tránh tạo thành chất sắt không hòa tan, cản trở sự hấp thu. Lưu ý là khi uống thuốc này, phân trẻ sẽ có màu đen, nhưng điều đó là bình thường, không nên lo ngại gì. Khi ngừng uống thuốc, phân sẽ trở lại bình thường.

- Không dỗ trẻ bằng cách cho uống siro. Đây là hành động sai lầm hoàn toàn vì về lâu dài trẻ sẽ phải phụ thuộc vào loại men tiêu hóa (men pepsin) đó cũng không tốt.

- Cần để thuốc siro ở nơi cao, quá tầm với của trẻ. Vì thuốc siro có vị ngọt, trẻ thích uống nên thích lấy thuốc tự uống, dễ gây ngộ độc .


Ly Đào

Ý kiến bạn đọc