(VnMedia) - M ột điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy: Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở Việt Nam lên đến 5,6%; Ở các thành phố lớn thì tỷ lệ này lên đến 6,5% và đang có xu hướng tăng lên. Những con số này đã khiến nhiều các bậc phụ huynh lo lắng, thậm chí lo lắng hơi quá mức khi nghĩ con mình có biểu hiện thừa cân.
Chị Nguyễn Thị Thu ở Vũ Thạnh - Đống Đa - Hà Nội cho biết con chị tròn 2 tuổi. Từ lúc cháu sinh ra đến nay so với các trẻ cùng trang lứa thì cháu to hơn. Nếu so mức ăn với các bé khác thì bữa ăn của con chị cũng tương đương nhưng chị cảm thấy con mình có độ hấp thụ rất tốt nên trông cháu như trẻ 3 tuổi.
Đáng lẽ khi con ăn uống tốt và có sự phát triển vượt trội như vậy, các bà mẹ sẽ thấy vui mừng bởi theo quan niệm thường thấy thì chị Thu lại thấy băn khoăn. Chị Thu tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn và thấy tình trạng béo phì ở trẻ em theo chiều hướng tăng dần nên rất lo lắng. Chị lo con chị đến 3 tuổi lại lớn bằng đứa 6 -7 tuổi. Đến lúc đó chị lại không dám ép cân cho con vì sợ con đói.
Điều chị Thu lo lắng có lẽ cũng là băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh khác trước tình trạng trẻ thừa cân béo phì đang được cảnh báo rất nhiều, để lại những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, ngay khi con có biểu hiện của việc ăn tốt hơn và bụ bẫm hơn thì nhiều bậc cha mẹ thường chọn giải pháp cắt giảm khẩu phần ăn của con. Chị Thu cũng chọn cách này, cho con ăn điều độ hơn và hạn chế không cho con ăn vặt.
Dù khá nhiều cha mẹ áp dụng giải pháp này nhưng cũng không biết đã đúng chưa. Đó là chưa kể việc trẻ chưa được bác sĩ khám và kết luận thừa cân hay không.
Thầy thuốc Ưu tú, ThS.BS Doãn Thị Tường Vi - Nguyên Trưởng Khoa Dinh dưỡng, bệnh viện 19.8 cho biết, cần phải căn cứ vào biểu đồ phát triền của trẻ nếu là trẻ nhỏ, còn đối với trẻ lớn hơn cần dựa vào bảng có chỉ số chiều cao và cân nặng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới có thể kết luận trẻ béo phì hay không.
Một đứa trẻ được xem là béo phì, hay nặng cân quá khi nó nặng hơn mức trung bình so với chiều cao và độ tuổi từ 20% trở lên. Bằng cảm quan, để xem trẻ có béo phì hay không thì cha mẹ có thể nhìn hai cánh tay và bắp đùi đứa trẻ: Nếu có những cuốn mỡ ngấn lên thì khả năng đứa trẻ là béo phì. Nhưng để kết luận chính xác, trẻ vẫn phải được đưa đi khám.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, béo phì là một bệnh phức tạp. Trẻ bị thừa cân béo phì là do chế độ ăn giàu năng lượng có nghĩa là năng lượng đưa vào cơ thể vượt quá năng lượng tiêu hao, nhất là năng lượng từ chất béo, tuy nhiên, ăn nhiều chất đạm, bột đường cũng bị thừa cân béo phì vì các chất này khi vào cơ thể dư thừa đều có thể chuyển hóa thành chất béo dự trữ. Trong trường hợp trẻ ít hoạt động thể lực là yếu tố song hành, nguy cơ cao gây thừa cân béo phì. Trẻ thường dành thời gian cho hoạt động tĩnh tại như xem tivi, đọc truyện, chơi điện tử... mà ít luyện tập thể dục thể thao. Một số nghiên cứu cho thấy, ở những trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, trẻ nhẹ cân hoặc cân nặng lúc sinh quá cao... lớn lên dễ bị thừa cân béo phì. Các nhà nghiên cứu khoa học cũng cho biết, yếu tố di truyền về thừa cân béo phì thì chưa được chứng minh đầy đủ, tuy nhiên, trong gia đình cha mẹ bị thừa cân béo phì thì con cái có nguy cơ bị thừa cân béo phì.
Bác sĩ Tường Vi cũng khuyên rằng để dự phòng thừa cân béo phì chủ yếu là dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực. Cần có ý thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ trong bào thai bằng cách chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ khi mang thai. Khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung cần có khẩu phần ăn hợp lý đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo và chất xơ, vitamin, khoáng chất). Không ép trẻ ăn quá mức nhu cầu trẻ có thể ăn được. Đối với trẻ lớn và vị thành niên nên ăn uống hợp lý, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng để trẻ phát triển bình thường, đồng thời khuyến khích trẻ ăn rau quả, hạn chế sử dụng thực phẩm giàu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng và đồ uống nhiều đường. Ở lứa tuổi này nên tăng cường vận động thể lực với các loại hình và mức độ thích hợp theo lứa tuổi như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy nhảy, bơi lội... hạn chế xem tivi, chơi điện tử và thức quá khuya. Ngoài ra, cần theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng chiều cao nhằm phát hiện sớm thừa cân béo phì để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt của trẻ.
Thông thường, trẻ béo phì hay bị bạn cùng lứa trêu chọc. Vì thế, bố mẹ cần động viên con và tránh phê phán con, tạo tâm lý không tốt. Bố mẹ đóng vai trò chủ yếu trong việc giúp trẻ béo phì cảm thấy bình thường, có ý thức kiểm soát cân nặng và phát triển thói quen lành mạnh để sống khỏe mạnh. Cảm xúc của trẻ cũng là điểm chính trong điều trị thành công béo phì.
Cha mẹ cũng cần nhớ rằng, cần đưa con đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu nghĩ rằng con có vấn đề về mặt cân nặng. Trong những trường hợp hiếm hoi, chứng béo phì bắt nguồn từ một tình trạng rối loạn nội tiết, bác sĩ sẽ tư vấn để chuyển sang bác sĩ chuyên khoa nội tiết để kiểm tra. Trong trường hợp nghi ngờ là do căn bệnh nào, bác sĩ sẽ có khuyến cáo về chế độ ăn. Ðồng thời sẽ có lời khuyên cho phụ huynh những giải pháp để khuyến khích đứa trẻ tiêu hao nhiều năng lượng hơn.
Ý kiến bạn đọc