(VnMedia) - Chung tay cùng thầy và trò vùng cao, nhiều đơn vị thuộc VNPT đã gây quỹ học bổng khuyến học cho các em vượt khó học giỏi, đóng góp công sức xây dựng các "Thư viện thân thiện"...
Cùng với chủ trương phổ cập giáo dục của nhà nước, mạng lưới trường lớp hiện nay đã phát triển rộng khắp ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa và miền núi. Như ở Lai Châu, các xã đều đã có trường mầm non và tiểu học hoàn chỉnh, kể cả những nơi đặc biệt khó khăn như thôn bản vùng cao cũng đều có trường lẻ, lớp “cắm bản”, lớp mẫu giáo. Hầu hết các xã đã có trường THCS, các huyện có trường THPT, nhiều huyện có thêm trường phổ thông dân tộc nội trú cụm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào ở vùng khó khăn tiếp cận được với giáo dục.
Về trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, các trường ở Lai Châu cũng được ưu tiên đầu tư nhiều như máy vi tính, dụng cụ thí nghiệm, sách giáo khoa, sách tham khảo, học phẩm... Chung tay cùng thầy và trò vùng cao, nhiều đơn vị thuộc VNPT đã gây quỹ học bổng khuyến học cho các em vượt khó học giỏi, đóng góp công sức xây dựng các "Thư viện thân thiện" với nhiều đầu sách phong phú. Ngoài ra, các hoạt động tình nguyện của đoàn viên thanh niên VNPT cũng chú trọng việc phổ cập ứng dụng Viễn thông - CNTT tới nhà trường và các em học sinh. Được biết, ở quy mô Tập đoàn, doanh nghiệp đã khởi xướng, triển khai chương trình "Học bổng VNPT - Chắp cánh tài năng Việt" suốt từ năm 2006 tới nay, cùng sự phối hợp chặt chẽ của Hội Khuyến học Việt Nam, đã dành hơn 12 tỷ đồng tương đương 15.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên cả nước, trong đó có các em học sinh vượt khó học giỏi của Lai Châu.
Trong những buổi triển khai dịch vụ của VNPT tại trường học, chúng tôi bắt gặp hình ảnh thầy giáo tự tay cắt tóc cho học trò của mình, nghe thầy chia sẻ về khó khăn trong việc vận động học sinh đến lớp mà ứa nước mắt. Vào mùa vụ, có lần đợi học sinh từ sáng tới tối mịt mới thấy các em cùng đàn trâu trở về, trên lưng còn địu cả em út mới mấy tháng tuổi, trong khi bố mẹ thì phải ngủ lại trên nương. “Khi vận động được học sinh đến lớp rồi song còn bao nỗi vất vả khác. Có học sinh nữ nhà cách lớp chỉ 3km đường chim bay, nhưng hàng ngày em phải đi đường vòng tới gần 7 km, lại cõng theo em nhỏ, song em ấy học rất giỏi. Hoàn cảnh các em như vậy đấy, tội nghiệp lắm" - Thày giáo nói.
Còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, các thầy cô giáo vùng cao đã bỏ công sức tìm đủ mọi cách để các em được đến trường, “học hành cho bằng bạn, bằng bè”. Các cán bộ, giáo viên nhà trường còn đăng ký giúp đỡ các em ngay từ đầu năm học, mỗi người một chút bằng tiền, gạo, quần áo... Việc nhà của học sinh, các đoàn viên thanh niên trong trường đã cùng chung sức giúp đỡ gia đình mỗi khi khi vào mùa vụ. Lắng nghe những sẻ chia và nguyện vọng của thầy và trò nơi đây, chúng tôi càng thấy mình cần phải nỗ lực đem nhiều dịch vụ, tiện ích thiết thực hơn nữa tới phục vụ bà con, góp phần đưa các phương pháp giản dạy, học tập hiện đại vào, để giáo dục miền núi nhanh chóng theo kịp với sự phát triển chung của cộng đồng.
Trần Thanh Huyền -
(Tin, ảnh)
Ý kiến bạn đọc