Nhiều người già bị trầm cảm mà không biết

06:30, 24/10/2014
|

(VnMedia)  -  Trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở người cao tuổi. Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng của trầm cảm ở người cao tuổi có những sắc thái riêng, đặc biệt là được biểu hiện chủ yếu bằng các triệu chứng cơ thể nhiều khi rất khó phân biệt với triệu chứng của các bệnh cơ thể kèm theo. Do vậy bệnh nhân thường được khám và điều trị rất lâu ở các chuyên khoa khác trước khi đến chuyên khoa tâm thần.

Bệnh trầm cảm ngày càng gia tăng ở người cao tuổi

Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy rằng, trầm cảm ngày càng gia tăng ở người cao tuổi. Người cao tuổi có thể dễ bị trầm cảm hơn người trẻ tuổi do nhiều nguyên nhân. Các chuyên gia cho biết 10% người cao tuổi ở cộng đồng có các triệu chứng trầm cảm ( 1 - 2% bị trầm cảm điển hình).

Trầm cảm người cao tuổi thường kết hợp của nhiều yếu tố sinh học - tâm lý- xã hội nên bệnh thường rất phức tạp với sự đan xen của nhiều các bệnh cơ thể. Đặc biệt là các rối loạn lo âu có những đặc trưng riêng làm cho bệnh thêm trầm trọng, khó điều trị.

Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở những người sống trong những hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như trong các trung tâm điều dưỡng, cô đơn. Bệnh trầm cảm dễ xảy ra nhất ở những người đang mắc các bệnh thực thể như đái đường, tai biến mạch máu não, huyết áp cao, xương khớp.... Các chuyên gia ước tính ở những người cao tuổi có  các bệnh lý thực thể như trên, tỷ lệ bị trầm cảm có thể lên 20 - 35%.

Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc nhận biết trầm cảm ở người cao tuổi không phải lúc nào cũng dễ dàng, tuy nhiên có một số dấu hiệu quan trọng là thay đổi cảm xúc; rối loạn giấc ngủ, đau đầu, mỏi lưng, đau ngực, đau khớp, rát lưỡi, táo bón dai dẳng,…; Một số bệnh nhân có biểu hiện hay quên, nhầm lẫn các đồ vật, các biểu hiện này thường xảy ra đột ngột giống như mất trí rất dễ chẩn đoán nhầm…
 
Chính vì vậy, người cao tuổi rất cần được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi bị bệnh phải được phát hiện và chăm sóc điều trị kịp thời. Nếu chẩn đoán đúng bệnh, người thân sẽ giúp người cao tuổi tuân thủ một chương trình điều trị thích hợp, sẽ giúp cho việc cải thiện các triệu chứng ngày càng tốt hơn.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.


 
Triệu chứng trầm cảm phổ biến ở người già
 
- Chán nản hoặc dễ cáu, cảm thấy bản thân sống không có ý nghĩa, không tham gia hoặc không mặn mà với những hoạt động hằng ngày, dễ tức giận, dễ bị kích động.

- Bệnh nhân thay đổi khẩu vị, thường ăn không ngon miệng, trọng lượng cơ thể thay đổi (sút hoặc tăng cân), khó ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, tỉnh giấc sớm, thèm ngủ ngày...

- Mệt mỏi, mất tập trung, giảm trí nhớ, tư duy khác thường, có ý nghĩ phạm lỗi và ý định tự vẫn, thậm chí có kế hoạch hoặc đã thử tự vẫn.

Ngoài ra, họ còn có các biểu hiện khác như xa lánh vợ (chồng), bạn thân, đau ốm liên miên, không hoạt bát, hay thất vọng, khó thích nghi với những thay đổi như việc chuyển chỗ ở hoặc những thay đổi trong nội bộ gia đình. Trầm cảm ở người cao tuổi còn biểu hiện bởi sự rối loạn chức năng não đi kèm với quá trình lão hóa mà người ta thường gọi là bệnh Alzheimer.

Nếu những triệu chứng trên xuất hiện liên tục hơn 2 tuần nghĩa là người cao tuổi đã mắc chứng trầm cảm.

Thực tế, bệnh trầm cảm có thể được làm dịu đi bằng những can thiệp mang tính cộng đồng. Người cao tuổi cần được giúp đỡ để thoát khỏi tình trạng bị cách ly hoặc cô đơn. Do vậy, để cải thiện bệnh cho người cao tuổi, những người thân trong gia đình nên tổ chức các cuộc dã ngoại, khuyến khích cao tuổi tự rèn luyện sức khỏe hoặc thường xuyên đưa họ đi thăm hỏi bạn bè, người thân. Nếu có thể, nên để họ tiếp tục làm việc, hoặc tổ chức học thêm để bổ sung kiến thức, tăng khả năng giúp đỡ con cháu.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc