Sốt giúp trẻ tăng cường đề kháng của cơ thể

14:21, 22/09/2014
|

(VnMedia)Nhiều bậc cha mẹ, nhất là những người lần đầu nuôi con thường hoang mang mỗi  khi trẻ sốt. Tuy nhiên, thực tế sốt là một phản ứng cấp tính của hệ miễn dịch, giúp trẻ tăng cường đề kháng cơ thể.


Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.


Theo nghiên cứu của các chuyên gia cho biết. sốt quan trọng vì chúng giúp trẻ chống lại bệnh nhiễm trùng. Sốt thực tế có thể giúp trẻ phục hồi nhanh hơn, đặc biệt nếu trẻ bị sốt do virus.

Các chuyên gia cũng cho biết, việc cho uống thuốc hạ sốt ngay khi trước khi cơ thể thực hiện nhiệm vụ "tự vệ" sẽ khiến quá trình phục hồi chậm hơn, bởi nhiệt độ cao có tác dụng diệt các vi khuẩn gây bệnh.

Theo các chuyên gia về dược, khi sốt cơ thể tạo ra các chất trung gian hóa học như prostaglandin, cytokin, intereukin… các chất này một mặt làm sai lệch nhận thức hệ miễn dịch về thân nhiệt, làm cơ thể tăng sản sinh nhiệt gây sốt.

Mặt khác, các chất này có vai trò quan trọng trong việc thu hút các bạch cầu – là các tế bào đóng vai trò bảo vệ cơ thể khi có các vi khuẩn lợi tấn công cơ thể - đến khu vực viêm nhiễm. Ngoài ra, phản ứng sốt còn giúp cảnh báo cơ thể không khỏe để các bậc cha mẹ có biện pháp xử lý, điều trị phừ hợp như uống thuốc, đi khám bệnh… Như vậy, có thể nói, sốt đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đề kháng của cơ thể.

Tuy nhiên, khi trẻ sốt quá cao rất dễ gây biến chứng nặng nề về thần kinh và vận động của trẻ. Do vậy, các bậc cha mẹ cần phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt.

Theo các chuyên gia y tế, thuốc hạ sốt an toàn nhất cho trẻ nhỏ là paracetamol. Nhưng cách sử dụng paracetamol cũng rất quan trọng, vì nếu dùng quá liều sẽ gây độc cho gan của trẻ. Vậy liều lượng paracetamol như thế nào là đúng?

- Nên dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt  trên 38,5 độ C

- Liều dùng phải tính chính xác theo cân nặng: Từ 10 – 15mg paracetamol cho 1 kg thể trọng của trẻ (Ví dụ bé nặng 5 kg cần dùng từ 50mg đến 75mg là tối đa). Nếu quá liều dùng này sẽ gây hại cho gan của trẻ, còn ít hơn thì không hạ được sốt!

- Mỗi lần uống thuốc hạ sốt cách nhau từ 4-6 tiếng, sau khi uống thuốc chừng 30 phút nếu trẻ chưa hạ sốt thì cũng không được uống thêm thuốc mà phải chườm mát vào trán, lòng bàn tay, chân

Không nên lau khăn lạnh, chườm đá, dán miếng lạnh hạ sốt có thể dẫn đến sốc nhiệt ở trẻ nhỏ, hoặc làm co mạch, gây khó khăn trong việc thoát nhiệt, đặc biệt gây suy hô hấp ở trẻ bị viêm phổi, hen suyễn. Việc tự ý dùng viên hạ sốt đặt hậu môn có thể gây sai liều, viêm loét hậu môn, tiêu chảy. Không dùng cùng lúc miếng dán hạ sốt, viên đặt hậu môn và uống thuốc hạ sốt đễ dẫn đến quá liều, gây ngộ độc gan.

Sau khi dùng thuốc hạ nhiệt mà trẻ không có dấu hiệu giảm sốt hoặc vẫn sốt trên 40 độ C, hoặc kèm các biểu hiện nôn ói, co giật…cha mẹ nên đưa trẻ ngay đến bệnh viện để các bác sĩ có biện pháp điều trị kịp thời.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc