Phát hiện sớm bệnh tay chân miệng tránh tử vong

17:23, 26/09/2014
|

(VnMedia) - Bệnh tay chân miệng thường xảy ra vào mùa hè thu, cùng thời gian với những bệnh lý khác ở da. Do vậy, theo các bác sĩ, các biểu hiện đỏ, loét trên da, trong miệng do virus rất dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh khác.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch do siêu vi trùng đường ruột gây ra, đặc trưng bởi sang thương phát ban kiểu bóng nước ở miệng, tay, chân kèm theo sốt. Bệnh có tiềm năng gây tổn thương thần kinh biểu hiện viêm não, viêm màng não, liệt, là nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng não về lâu dài làm trẻ khó thích ứng với xã hội.

Đường lây nhiễm chính của bệnh tay chân miệng qua đường tiêu hoá, trực tiếp từ phân – miệng hoặc gián tiếp qua nước, thực phẩm, tay bẩn, bị ô nhiễm phân người bệnh, một số ít trường hợp được ghi nhận lây lan qua đường hô hấp.

Dưới đây là một số biểu hiện, triệu chứng có thể giúp sớm phân biệt được bệnh tay chân miệng với các bệnh lý khác:


Viêm loét miệng

- Viêm loét miệng thường có vết loét sâu, có dịch tiết, hay tái phát;

- Bệnh tay chân miệng, vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

 

Sốt phát ban

- Sốt phát ban, các ban thường xen kẽ ít dạng sẩn, thường có hạch sau tai.
- Bệnh tay chân miệng, các ban xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.


Sốt virus:  Bệnh tay chân miệng và bệnh sốt virus đều có biểu hiện sốt cao nên ở giai đoạn đầu khó phân biệt. Vì vậy, cần căn cứ vào biểu hiện:

- Sốt virus, đôi khi trẻ bị sốt cao 38,5 độ C, 39,5 độ C, sốt liên tục, dùng thuốc hạ sốt thì đỡ; sốt kéo dài 24-48 giờ, thậm chí là 72 giờ nhưng toàn trạng tỉnh táo, khám không thấy dấu hiệu nhiễm trùng ở họng, phổi, đường ruột, sau sốt có thể nổi ban mỏng, rải rác hoặc cũng có thể mọc toàn thân

- Bệnh tay chân miệng thì sốt cao liên tục, 39 - 40 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt, phát ban ngay từ khi sốt, ban xuất hiện ở lòng bàn tay, chân và khoang miệng. Trong trường hợp trẻ không có triệu chứng điển hình như trên thì nếu thấy sốt cao liên tục cần đưa đi khám ngay. 

Dị ứng: Bệnh dị ứng xuất hiện các ban hồng, ban đa dạng, không có phỏng nước, có thể xuất hiện ở khắp cơ thể hoặc một khu trú nào đó.

 

Viêm da mủ: Bệnh viêm da mủ thường nổi ban đỏ, gây đau rát, có mủ. 

Thủy đậu: Bệnh thuỷ đậu xuất hiện các phỏng nước nhiều lứa tuổi, rải rác toàn thân. 

Sốt xuất huyết Dengue: sôt xuất huyết xuất hiện các chấm xuất huyết, bầm máu, xuất huyết niêm mạc…

 

Đặc biệt, bệnh tay chân miệng cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh do nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi. Có thể nhận biết được 2 bệnh này nếu chú ý: trẻ có nốt ở bụng, tay, chân… thì không phải tay chân miệng.


 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.

 
Chăm sóc và điều trị bệnh tay chân miệng

Bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Thị Kim Thoa, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường khỏi trong vòng một tuần lễ nếu được điều trị đúng cách, không có biến chứng. Những bóng nước mới đầu có dịch trong (lúc bội nhiễm sẽ gây đục), sau đó sẽ lành không để lại sẹo.

Nếu không được điều trị đúng cách hoặc diễn tiến nặng sẽ gây những biến chứng rất nặng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim. Biến chứng não rất dễ dẫn đến tử vong.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng vì vậy để giảm nguy cơ nhiễm trùng da niêm cần phải vệ sinh thân thể: cho trẻ súc miệng mỗi ngày, chăm sóc da bằng cách tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hay trầy sướt da, thay quần áo sạch hàng ngày. Cắt ngắn móng tay để giảm tổn thương da do gãi ngứa. Cho ăn uống đầy đủ dưỡng chất và nhu cầu, cho trẻ uống nhiều nước như nước sôi để nguội, nước trái cây, nước canh, nước cháo.

Lưu ý trẻ bị bệnh tay chân miệng không cần kiêng cữ gió và ánh sáng, không chọc vỡ bóng nước, không đắp lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng da. Theo dõi diễn biến các tổn thương da niêm và tình trạng chung của trẻ. Khi trẻ có những dấu hiệu như sốt cao, nhức đầu, nôn ói nhiều, lơ mơ, giật mình chới với, co giật, mệt nhiều cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị biến chứng nặng của bệnh.

Phòng bệnh

  - Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước;

- Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường;

- Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng...) với trẻ em bị bệnh tay chân miệng cũng có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh;

- Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn;

- Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo;

- Che miệng và mũi khi hắt hơi và ho;

- Xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng bằng cách bỏ vào thùng rác và thải bỏ rác đúng cách;

- Luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc