Nên cho trẻ ăn váng sữa như thế nào?

08:22, 10/09/2014
|

(VnMedia)  - Hiện nay, váng sữa trở thành một món ăn quen thuộc đối với những gia đình có trẻ nhỏ, với mục đích cung cấp thêm chất bổ từ sữa cho bé. Một số bé thích vị béo và ngọt của váng sữa mà đòi ăn mỗi ngày, thậm chí 2-3 hũ/ ngày. 

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.



Váng sữa là thực phẩm được làm từ men sữa cho lên men lactic. Smetana là một trong những thực phẩm tiêu biểu nhất của ẩm thực Nga đồng thời rất phổ biến ở Đông Âu.

Nhiều bà mẹ thắc mắc rằng trẻ bị đầy bụng, biếng ăn sau khi ăn váng sữa. Vậy nên cho bé ăn bao nhiêu là đủ, ăn thay cho sữa được không? Dưới đây là khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Thị Thu Hậu - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 về các giá trị dinh dưỡng của váng sữa:

Váng sữa được sản xuất từ sữa tươi bằng quá trình tách chất béo ra khỏi sữa tươi bằng cách làm lắng sữa xuống hoặc ly tâm tách béo từ sữa tươi ra. Váng sữa là thức ăn có vị béo thơm trẻ dễ ăn, có thể ăn trực tiếp, pha chế thành sinh tố hoặc bổ sung vào bột/ cháo cho trẻ nhỏ. Váng sữa được tách ra từ các loại sữa bò, dê .., có hàm lương chất béo cao (> 50-80%). Tùy loại, nhà sản xuất có thể bổ sung sữa tươi, sữa nguyên kem, tinh bột, đường … nhưng thành phần của váng sữa đa phần là chất béo sữa. Chất béo trong sữa nguyên kem chủ yếu là triglyceride và giàu các acid béo no cũng như cholesterol. Các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên mọi người tránh sử dụng  cholesterol và chất béo no vì không tốt cho sức khỏe. Như vậy, váng sữa không phải là thức ăn phù hợp cho người lớn và người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng mỡ máu.

Là 1 chế phẩm sữa, váng sữa chứa chất béo sữa, đạm sữa, canxi, đường lactose … của sữa. Năng lượng của váng sữa cao do chứa nhiều chất béo. Vì thế, sẽ giúp bổ sung thêm năng lượng và giúp lên cân ở những trẻ suy dinh dưỡng, thiếu cân nặng. Trẻ cũng nhận thêm một lượng canxi bổ sung cho nhu cầu tăng trưởng của mình. Trẻ dưới 2 tuổi có nhu cầu chất béo cao để phát triển não, trong chế độ ăn cần có đủ cả dầu thực vật và mỡ động vật, nhưng sau đó nhu cầu chất béo giảm dần, nhất là chất béo no. Khi trẻ được 6 tuổi, kích thước não bằng với não người trưởng thành thì nhu cầu chất  béo gần như của người lớn, và cần hạn chế chất béo no cũng như cholesterol.

Không thể thay thế sữa mẹ và các loại sữa thông thường

 

Theo hướng dẫn của tổ chức y tế thế giới (WHO), cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn dưới 6 tháng tuổi. Vì vậy, chỉ nên cho trẻ ăn váng sữa sau 6 tháng tuổi, nhằm bổ sung thêm năng lượng, giúp trẻ tăng cân tốt hơn.

 

Không có một thực phẩm nào có thể thay thế sữa mẹ. Váng sữa không thể thay thế sữa, nhất là sữa mẹ, vì nó không chứa đủ các chất dinh dưỡng như trong sữa mẹ, đặc biệt là hàm lượng đạm trong váng sữa thấp. Nếu dùng váng sữa thay cho sữa mẹ, trẻ sẽ bị thiếu chất đạm, dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu… do thiếu các vi chất dinh dưỡng.

 

Lưu ý: Chỉ nên dùng váng sữa làm bữa phụ, từ 1 - 2 hộp/ngày. Váng sữa không nên dùng cho bé dưới sáu tháng tuổi, bé bị thừa cân - béo phì, bé đang bị tiêu chảy, bé dị ứng với sữa bò… Chỉ sử dụng váng sữa như thực phẩm bổ sung cho bé chứ không thể làm thức ăn chính khi cho bé ăn dặm vì thành phần dinh dưỡng không đủ.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc