(VnMedia) - Theo khuyến cáo của các bác sỹ, để phòng ngừa đột quỵ não cũng như các bệnh về tim mạch, trước hết cần kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên và kiểm soát huyết áp ở ngưỡng cho phép.
Kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên và kiểm soát huyết áp ở ngưỡng cho phép sẽ phòng tránh nguy cơ đột quỵ. (Ảnh minh họa) |
Ở người tăng huyết áp, thành mạch máu bị tổn thương do chịu áp lực dòng máu lớn, sẽ ảnh hưởng tới tuần hoàn nói chung và tuần hoàn não nói riêng. Những thành mạch bị tổn thương, có thể gây phình mạch nhỏ trong não, dẫn đến nguy cơ chảy máu não hoặc tạo điều kiện thuận lợi hình thành các mảng xơ vữa, gây chít hẹp lòng mạch, cản trở lưu thông dòng máu đến nuôi dưỡng tế bào não. Những mảng xơ vữa này có thể bị bong ra, hình thành các cục máu đông, làm tắc nghẽn hoàn toàn mạch máu, dẫn đến đột quỵ não.
Vì vậy, để phòng ngừa đột quỵ não cũng như các bệnh về tim mạch, trước hết cần kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên và kiểm soát huyết áp ở ngưỡng cho phép. Với những bệnh nhân tăng huyết áp, nếu hạ huyết áp được 5mmHg thì sẽ giảm 10% nguy cơ đột quỵ não.
Tuy nhiên, một thực tế trong cộng đồng là nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp hoặc bệnh nhân tự ý bỏ thuốc, dẫn đến việc kiểm soát huyết áp khó khăn hơn và dẫn đến đột quỵ.
Người bệnh bị đột quỵ não có thể để lại những di chứng rất nặng nề như: liệt nửa người, nói ngọng, méo miệng, đời sống thực vật, khiến bệnh nhân trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ phải đứng trước nguy cơ tử vong.
Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần có chế độ sinh hoạt điều độ, lành mạnh, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ kết hợp tuân thủ chỉ định điều trị bệnh của bác sĩ để phòng ngừa đột quỵ não ở người tăng huyết áp.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc