(VnMedia) - Huyết áp cao là bệnh khá phổ biến và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Hầu hết, người bệnh không biết mình bị huyết áp cao mà chỉ được phát hiện khi có tổn thương nặng nề ở mắt, suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não,...
Huyết áp được gọi là cao khi huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg và huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg. Huyết áp cao chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu huyết áp từ 140-159/90-99 mmHg, lâm sàng chưa có biểu hiện rõ rệt chỉ có chỉ số huyết áp tăng;
- Giai đoạn 2 huyết áp trong khoảng 160-175/100-109mmHg, giai đoạn này có xuất hiện một hoặc nhiều biến chứng ở phủ tạng nhưng mức độ nhẹ như tổn thương đáy mắt độ 1-2, mạch tim đập nhanh, tức ngực, trên điện tâm đồ và XQ biểu hiện dầy thất trái ở não thì thấy nhức đầu, giảm trí nhớ;
- Giai đoạn 3 là giai đoạn nguy kịch huyết áp trong khoảng trên 180/120 mmHg có tổn thương nặng nề ở mắt, suy tim tai biến mạch máu não, tiểu tiện đi đêm nhiều, phù mặt,phù chân, ure máu tăng, tổn thương thận …
Ảnh minh họa.
Các biến chứng do huyết áp cao gây ra
TS.BS Đỗ Quang Huân - Viện Tim thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khoảng 95% bệnh nhân huyết áp cao không rõ nguyên nhân huyết áp cao tiên phát). Bên cạnh các yếu tố gây huyết áp cao tiên phát như: tuổi, di truyền, chủng tộc, điều kiện kinh tế xã hội, giới (nam thường bị huyết áo cao nhiều hơn nữ) thì các yếu tố nguy cơ của lối sống như: căng thẳng, lười vận động, ăn không hợp lí với chế độ ăn quá nhiều chất béo, ăn mặn, hút thuốc lá, béo phì... là những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ bệnh huyết áp cao.
Huyết áp cao đã và đang trở thành nguy cơ hàng đầu của các biến chứng tim mạch. Đối với người bị huyết áp cao, nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch não) tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần so với người bình thường. Nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp đôi khi số huyết áp tăng mỗi 20mmHg đối với huyết áp tâm thu và tăng 10mmHg đối với huyết áp tâm trương.
Các biến chứng nguy hiểm của cao huyết áp
Các biến chứng tim mạch: Huyết áp cao lâu ngày làm hình thành mãng xơ vữa động mạch và làm hẹp mạch vành. Khi bị hẹp động mạch vành nhiều, bệnh nhân thấy đau ngực, ngẹn trước ngực khi gắng sức, khi vận động nhiều, leo cầu thang, cơn đau giảm khi bệnh nhân ngừng gắng sức (triệu chứng bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ). Đau trước ngực có thể lan lên cổ, lan ra tay trái và ra sau lưng. Nếu mãng xơ vữa động mạch bị nứt, vỡ thì trong lòng động mạch vành hình thành cục huyết khối, làm tắc động mạch vành làm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Khi bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhân thấy đau dữ dội trước ngực, khó thở, toát mồ hôi, đau có thể lan lên cổ, lan ra tay trái, lan ra sau lưng.
Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do huyết áp cao sẽ có một vùng cơ tim bị chết, không thể co bóp được, dẫn đến suy tim. Huyết áp cao lâu ngày làm cơ tim phì đại, nếu không được điều trị cao huyết áp cũng sẽ dẫn đến suy tim.
Các biến chứng về não:
- Xuất huyết não: Khi huyết áp lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong (triệu chứng của bệnh nhân tùy vùng xuất huyết lớn hay nhỏ, và tùy vị trí vùng xuất huyết).
- Nhũn não: Huyết áp cao làm hẹp mạch máu nuôi não (tương tự hư mạch vành), nếu mãng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não gây chết 1 vùng não (còn gọi là nhũn não).
- Thiếu máu não: Huyết áp cao làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, làm máu bơm lên não không đủ khiến bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, có khi bất tỉnh.
Các biến chứng về thận: Huyết áp cao làm hư màng lọc của các tế bào thận, làm bệnh nhân tiểu ra protein (bình thường không có); lâu ngày gây suy thận. Ngoài ra, huyết áp cao còn làm hẹp động mạch thận, làm thận tiết ra nhiều chất Renin làm huyết áp cao hơn. Hẹp động mạch thận lâu ngày gây suy thận.
Các biến chứng về mắt: Huyết áp cao làm hỏng mạch máu võng mạc, thành động mạch dày và cứng làm hẹp lòng mạch lại. Khi có quá trình xơ cứng thành mạch thì động mạch sẽ đè bẹp tĩnh mạch và cản trở tuần hoàn làm bệnh nhân hư mắt tiến triển theo các giai đoạn. Huyết áp cao còn làm xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác làm giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Các biến chứng khác: Huyết áp cao làm động mạch chủ phình to, có thể bóc tách và vỡ thành động mạch chủ dẫn đến chết người; Gây hẹp động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch chân. Khi động mạch chi dưới bị hẹp nhiều, bệnh nhân đi một đoạn đường thì đau chân, phải đứng lại nghỉ .
Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc điều trị huyết áp cao đối với người bệnh tăng huyết áp trong giai đoạn 1 thì chưa cần phải dùng thuốc hạ áp mà quan trọng là điều chỉnh chế độ ăn, loại bỏ các thói quen làm huyết áp như:
- Không hút thuốc lá.
- Ăn uống hợp lý: ăn nhạt, ăn nhiều rau, ăn đủ lượng kali và ăn nhiều cá, ít mỡ động vật.
- Hạn chế rượu bia, tốt nhất là nên bỏ rượu bia.
- Kiểm soát cân nặng. Giảm nguy cơ béo phì tỷ lệ người thừa cân, béo phì bị cao huyết áp rất cao.
- Tăng cường rèn luyện thể lực mức độ trung bình: mỗi ngày 30-45 phút, tuần 180 phút như đi bộ nhanh (7 km/giờ), đi xe đạp nhanh, chạy, chơi bóng bàn.
- Đi bộ điều độ mỗi ngày.
- Giữ tinh thần, giảm stress.
Lưu ý khi điều trị bằng thuốc: Khi bệnh nhân huyết áp cao sử dung thuốc, một số loại thuốc hạ áp có thể gây ra một số biến chứng như choáng váng mặt mày, mệt mỏi, nhức đầu, thay đổi trong sinh lý. Nếu thấy xuất hiện những biến chứng này thì cần ngay lập tức thông báo với bác sỹ của mình để được điều chình lieu lượng thuốc hoặc đổi những loại thuốc khác phù hợp với sức khỏe của bạn hơn. Tuyệt đối không được tự ý thay đổi thuốc hạ áp mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Khi phát hiện bệnh cao huyết áp thì việc chữa trị nhanh chóng kịp thời sẽ giảm tối đa các biến chứng do huyết áp cao gây ra, giúp giảm chi phí điều trị và kéo dài tuổi thọ. Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao (như lớn tuổi, béo phì, ít vận động, trong gia đình đã có người thân bị cao huyết áp…) là hết sức cần thiết và quan trọng.
Ngày 29/9, Báo điện tử www.vnmedia.vn tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Môi trường lành mạnh cho một trái tim khỏe”. GS.TS Nguyễn Lân Việt- chuyên gia hàng đầu về tim mạch và tăng huyết áp sẽ trả lời và tư cho độc giả các vấn các vấn đề liên quan đến huyết áp, tim mạch và sức khỏe cộng đồng. Thời gian giao lưu: từ 14-16h ngày 29/9/2014. Đề nghị độc giả gửi câu hỏi về địa chỉ : Toasoan@vnmedia.vn . |
Ý kiến bạn đọc