Cách phát hiện sớm trẻ bị tật khúc xạ

09:28, 10/09/2014
|

(VnMedia) - Hiện nay, tật khúc xạ học đường tại Việt Nam đang trở nên báo động. Để phát hiện sớm trẻ có mắc tật khúc xạ hay không cha mẹ cần lưu ý những điều sau.

Ảnh minh họa

Khám tật khúc xạ cho học sinh. (Ảnh nguồn Internet)


Theo các bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương, khi phát hiện các em có dấu hiệu bị tật khúc xạ trong học tập và sinh hoạt hàng ngày như: nheo mắt, nghiêng đầu trong lớp, nhìn chữ và vật bị nhòe, mỏi mắt, chóng mặt đau đầu, hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ... cần đưa các em đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt, tái khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.

Khi mắc các tật khúc xạ cần khám, đeo kính đúng số và có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn, tăng cường các hoạt động ngoài trời, ngồi học đúng tư thế và đủ ánh sáng, bổ sung các vitamin A, C, E hàng ngày...

Nhiều người dù có đơn kính bác sỹ cấp nhưng không cho con đeo kính vì quan niệm rằng không nên đeo kính, càng đeo nó sẽ càng tăng độ cận thị của mắt. Nhưng theo các bác sỹ thì quan niệm này là hoàn toàn sai lầm.

Khi trẻ đã mắc tật khúc xạ, phương pháp duy nhất là đeo, chỉnh kính đúng số và tái khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt. Với nhận thức cộng đồng hạn chế nên nhiều trường hợp khi đến bệnh viện đã biến chứng sang nhược thị sâu, bong võng mạc... nguy cơ mù lòa vĩnh viễn, không thể chỉnh kính, cấp kính.

Một thói quen khác thường gặp là người dân tự ý dẫn con mình đến các cửa hàng kính thuốc để đo, lắp mắt kính cho con em mình khi họ nghi các em mắc tật khúc xạ. Theo các bác sỹ cảnh báo, nếu không được đo, khám một cách kỹ lưỡng trẻ rất dễ phải đeo kính cận một cách vô lý, hoặc các cửa hàng kính đo sai số, gây ra nhức mỏi mắt, gây rối loạn điều tiết, nhiều trường hợp giảm thị lực đã không thể điều trị được.

Tại Việt Nam, hiện có tới 3 triệu học sinh (độ tuổi 6 - 15) bị mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó 2/3 là bị cận thị. Tỷ lệ tật khúc xạ ngày càng tăng nhanh, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Theo một nghiên cứu đánh giá, tỷ lệ tật khúc xạ Hà Nội khoảng từ 40 - 45%, ở những quận nội đô có nơi lên đến 55 - 60%.

Tật khúc xạ học đường do nhiều nguyên nhân trong đó, vấn đề thiếu ánh sáng hay sai tư thế học tập thời gian dài, dinh dưỡng chưa đáp ứng, bổ sung đầy đủ các vitamin, thời gian học tập căng thẳng và liên tục, không cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn, lạm dụng máy tính, chơi game, xem tivi quá nhiều...khiến cho tật khúc xạ ngày càng tăng.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc