(VnMedia) - Bệnh tiểu đường còn được gọi là đái tháo đường là bệnh liên quan đến đến sự gia tăng của chất Glucose trong máu. Chẩn đoán bị đái tháo đường khi lượng đường (Glucose) trong máu tăng cao.
Đái tháo đường xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc cơ thể giảm đáp ứng với tác dụng của insulin (đề kháng với insulin) . Insulin, được sản xuất từ tuyến tuỵ , một tuyến nằm sau dạ dày, giúp cho các tế bào của cơ thể sử dụng đường từ máu của bạn.Glucose là một nguồn năng lượng cho các tế bào. Glucose được tạo ra từ thức ăn ( tinh bột) và thức uống .
Khi bị tiểu đường, nồng độ đường trong máu tăng cao. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao hạ thấp lượng đường trong máu là chìa khóa để quản lý bệnh tiểu đường. Giữ lượng đường trong máu ổn định sẽ giúp giảm nguy cơ bị các biến chứng. Đường huyết cao có thể gây tổn hại cho cơ quan và tăng nguy cơ bị bệnh tim.
Ăn kiêng làm tăng nhanh biến chứng ở người tiểu đường
Nhiều người bị bệnh tiểu đường cho rằng nên ăn ít, thậm chí không ăn hoàn toàn đối với tinh bột, hoa quả chín vì trong đó có nhiều đường, sẽ làm tăng đường huyết.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, nhịn ăn, ăn ít hơn nhu cầu hoặc loại bỏ hoàn toàn tinh bột, trái cây chín… là một trong những sai lầm phổ biến của nhiều người khi biết mình mắc bệnh đái tháo đường. Tình trạng này khiến cơ thể người bệnh thiếu dưỡng chất, thúc đẩy nhanh biến chứng của tiểu đường.
Trong thực tế, với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, dinh dưỡng, tập luyện và thuốc là 3 yếu tố không thể tách rời. Trong đó, dinh dưỡng là nhằm duy trì mức đường huyết huyết trong máu ở giới hạn bình thường hoặc cố gắng ở ngưỡng an toàn để ngăn ngừa và giảm các nguy cơ biến chứng (không làm tăng đường máu sau bữa ăn, không làm hạ đường máu khi đã xa bữa ăn). Nguyên nhân là do tất cả biến chứng cho bệnh nhân tiểu đường đều do đường máu tăng gây nên, nên phải kiểm soát trong giới hạn bình thường sẽ giúp ngăn ngừa, giảm nguy cơ biến chứng của bệnh nhân tiểu đường…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, dinh dưỡng là một vấn đề không thể thiếu để điều trị cho người bị bệnh tiểu đường. Nhưng thực tế, hầu hết bệnh nhân tiểu đường lại sợ không dám ăn, ăn thấp hơn nhu cầu dinh dưỡng khiến một thời gian sau bị suy dinh dưỡng, thiếu chất. Hay sợ tăng đường huyết mà bỏ hoàn toàn tinh bột, chỉ ăn thịt khiến bệnh nhân cứ nhìn thấy thịt là sợ. Hơn nữa, việc ăn quá nhiều chất đạm có thể dẫn đến suy thận hay bệnh gout.
TS Lâm nhấn mạnh: "Điều quan trọng là bệnh nhân nên ăn uống giữ ổn định chất tinh bột trong các bữa ăn, không nên ăn quá nhiều”. Một chế ăn hợp lý cho bệnh nhân tiểu đường vẫn phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường, đạm, chất béo, rau xanh và quả chín; vẫn cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng theo nhu cầu.
Như vậy, dù chữa trị theo cách nào, chế độ ăn uống vẫn đóng một vai trò quan trọng và cần thiết để chữa trị tiểu đường. Mục đích là điều chỉnh chứng tăng glucose huyết và glucose niệu, duy trì một thể trạng hợp lý và làm mất các triệu chứng chủ yếu (nhưng vẫn tránh tình trạng hạ glucose huyết dưới mức bình thường).
Ngoài ra, tâm trạng buồn chán và áp lực quá lớn sẽ ảnh hưởng tới đường huyết. Người bị tiểu đường mà bị trầm cảm thì nguy hiểm gấp đôi so với người thường vì lúc này rất khó khống chế đường huyết.
Bên cạnh đó, rất nhiều người bệnh cho rằng uống thuốc càng có hiệu quả chữa trị hơn là ăn uống.
Thực tế, trong rất nhiều trường hợp người bị bệnh tiểu đường tuýp 2, kết hợp ăn uống điều độ và luyện tập hợp lý, không cần thuốc cũng có thể khống chế được bệnh tật. Người bệnh cũng thường mắc tật “uống theo cảm giác”, tự mình điều chỉnh liều lượng uống.
Thay đổi kết cấu bữa ăn cũng cần phải tiến hành từ từ theo sự hấp thụ của cơ thể. Phương pháp tốt nhất là ghi nhật ký ăn uống hàng ngày. Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng, ghi chép lại nhiệt lượng và thành phần đường trong thức ăn hàng ngày. Ngoài ra, một lỗi nữa là không ăn đúng giờ đúng bữa, đặc biệt là bỏ bữa sáng. Bữa no bữa đói sẽ làm cho đường huyết rối loạn, làm cho bệnh tình nặng thêm.
Kiểm soát bệnh tiểu đường
- Chế độ ăn uống khỏe mạnh: Giúp ổn định đường huyết, giảm cân. Là một phần không thể thiếu trong việc điều trị tiểu đường. Tránh kiêng khem quá mức dể dẩn tới suy dinh dưỡng. Hạn chế thức ăn nhiều tinh bột., dầu mỡ không tốt…Nên ăn nhiều rau tươi
- Tập luyện thể lực: Giúp giảm cân, hạ đường huyết, giảm đề kháng insulin, hạ huyết áp, tăng sức cơ…Mỗi ngày nên đi bộ ít nhất 30 phút, 5 ngày trong một tuần.
- Uống thuốc hay tiêm Insulin theo chỉ định: Khi tập thể dục, chế độ ăn không hạ được đường huyết, bạn cần uống thuốc hay tiêm insulin theo chỉ định của Bác sỹ.
- Không hút thuốc lá.
Ý kiến bạn đọc