Trẻ đái dầm có phải vì lười biếng?

16:43, 04/07/2014
|

(VnMedia) - BS. Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, một nghiên cứu chỉ ra rằng 22% phụ huynh có con đái dầm nghĩ bé làm vậy vì lười biếng. Thực tế không phải như vậy.

Theo BS. Thu Thủy, đái dầm liên quan tới các yếu tố thực thể và sinh lý chứ không có quan hệ gì với sự căng thẳng, thiếu tự tin hay thiếu trưởng thành về tâm lý ở trẻ. Đái dầm là rắc rối phổ biến ở trẻ em. Tuy không phải là bệnh lý nghiêm trọng nhưng nó khiến trẻ gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp xã hội và có thể dẫn tới sự căng thẳng cao độ trong gia đình.

Tác động tâm lý tiêu cực nhất của đái dầm là làm xói mòn lòng tự tin ở trẻ. Khi mắc chứng bệnh này, đa số trẻ nghĩ có điều gì đó không ổn với con người mình. Nhiều bé tin đó là sự trừng phạt cho những suy nghĩ hay việc làm sai lầm của bản thân.Tương tự như vậy, nhiều phụ huynh cũng tự trách mình không giỏi làm cha mẹ.

Cảm giác tội lỗi càng bị đẩy cao nếu bạn bè hay người thân cho rằng sự bất ổn về tâm lý là nguyên nhân khiến bé đái dầm. Sự căng thẳng và mệt mỏi kéo dài có thể khiến cha mẹ nổi nóng, thậm chí còn trừng phạt khi con đái dầm. Hiểu thấu đáo nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp cha mẹ tìm ra những biện pháp điều trị hiệu quả nhất cho con. 

Ảnh minh họa

 


Định nghĩa đái dầm là tình trạng tiểu tiện không tự chủ trong khi ngủ. Hiện các bác sĩ chưa thống nhất về tiêu chuẩn chẩn đoán đái dầm. Theo Hội Tâm thần Hoa Kỳ: đái dầm ≥ 2 lần/tuần, trong ít nhất 3 tháng liền (trẻ > 5 tuổi). Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới: đái dầm 2 lần/tháng (< 7 tuổi) hay 1 lần/tháng (> 7 tuổi).

Đái dầm được chia làm 2 loại: tiên phát và thứ phát.

Đái dầm tiên phát: Trẻ có thể kiểm soát việc đi tiểu ban ngày nhưng chưa thể liên tục giữ khô ráo về đêm trong ít nhất 6 tháng. Đây là dạng đái dầm phổ biến nhất. Đái dầm thứ phát: Trẻ hoàn toàn khô ráo về đêm trong ít nhất 6 tháng nhưng sau đó lại đái dầm.

Ở đái dầm thứ phát, điều mấu chốt là tìm kiếm những thay đổi mới xảy ra khi trẻ căng thẳng tâm lý mới xuất hiện: cha mẹ li dị, chuyển nhà, người thân qua đời...; Thay đổi thể chất: bé bị bệnh nhiễm trùng tiết niệu hay tiểu đường; Thay đổi tình huống: thay đổi chế độ ăn uống hay thói quen đi ngủ. Rõ ràng là có gì đó khác thường. Bước đầu tiên để giải quyết vấn đề là tìm ra bất kỳ thay đổi nào trong cuộc đời của trẻ.

Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, khoảng 1,5-8,9% trẻ em trong cộng đồng mắc chứng đái dầm. Đái dầm tự khỏi cùng với thời gian, mỗi năm khoảng 15% trẻ thoát khỏi tình trạng này mà không cần điều trị. Khi lên 5 tuổi, khoảng 20% trẻ em mắc chứng đái dầm tiên phát, tỷ lệ này giảm xuống còn 1% ở tuổi 16. Nếu không điều trị, một số trẻ sẽ đái dầm suốt đời.

Có rất nhiều yếu tố góp phần gây ra đái dầm, trong phần lớn trường hợp, bệnh tật không phải nguyên nhân chính. BS. Thu Thủy cho biết 8 nhóm nguyên nhân sau thường khiến trẻ đái dầm:

1. Di truyền

Nghiên cứu cho thấy đái dầm tiên phát thường mang tính di truyền. Nếu cha và mẹ từng đái dầm khi nhỏ, nguy cơ đái dầm của con cái sẽ là 77%. Tỷ lệ này giảm còn 44% nếu chỉ bố hoặc mẹ từng đái dầm, và còn 15% nếu không ai trong cha mẹ từng đái dầm. Với đái dầm tiên phát, hầu như bao giờ cũng tìm được một người họ hàng từng mắc chứng này.

2. Giảm dung tích bàng quang

Dung tích bàng quang ở trẻ đái dầm thường thấp hơn bạn bè cùng trang lứa. Ban ngày, trẻ có bàng quang nhỏ phải đi tiểu thường xuyên hơn, đôi khi phải chạy vội vào nhà vệ sinh để tránh sự cố. Khi ngủ, khả năng giữ nước tiểu suốt đêm của những trẻ này cũng thấp hơn. Điều đáng ngạc nhiên là khi gây mê để kiểm tra, người ta thấy bàng quang của các bé này có kích thước hoàn toàn bình thường. Điều này có nghĩa là bàng quang không hề nhỏ về mặt giải phẫu, nhưng trẻ có cảm giác bàng quang đầy trước khi túi này đầy thực sự. Thuật ngữ y học dùng cho trường hợp này là giảm dung tích chức năng.

3. Tăng sản xuất nước tiểu về đêm

Ban đêm não sản xuất một loại hoóc môn gọi là vasopressin, có tác dụng tăng tái hấp thu nước vào dòng máu, nhờ đó giảm lượng nước tiểu sản xuất ở thận. Giảm sản xuất nước tiểu về đêm cho phép chúng ta ngủ tới sáng mà không phải dậy đi tiểu. Tuy các nghiên cứu trong lĩnh vực này còn chưa thống nhất, có vẻ như một số trẻ đái dầm vì không sản xuất đủ hoóc môn này.

4. Không thể tỉnh giấc

Suốt thời gian dài, người ta cho rằng trẻ đái dầm khi đang chìm trong giai đoạn ngủ sâu. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ có thể đái dầm trong tất cả các giai đoạn của giấc ngủ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng một số trẻ không đáp ứng với các tín hiệu bên trong cơ thể khi ngủ: trẻ đái dầm không có khả năng tỉnh giấc khi bàng quang đạt dung tích tối đa.

5. Táo bón

Đa số cha mẹ ít quan tâm tới việc đi ngoài của con khi chúng đã học được cách ngồi bô. Điều này giải thích vì sao táo bón lại là nguyên nhân đái dầm hay bị bỏ sót.

Khi trực tràng bị đầy, phân có thể ép vào bàng quang, khiến cơ quan này 'hiểu nhầm' và gửi tín hiệu thần kinh tới não như khi bàng quang bị đầy. Trực tràng đầy phân làm giảm dung tích bàng quang hoặc khiến trẻ không thể làm rỗng tối đa cơ quan này. Điều trị táo bón có thể làm giảm hoặc chữa lành chứng đái dầm.

6. Các yếu tố tâm lý

Trẻ có thể bị đái dầm thứ phát sau những căng thẳng đáng kể như chuyển nhà, chuyển trường, mất người thân, cha mẹ ly dị hay bị lạm dụng tình dục. Đái dầm thường mất đi khi rắc rối tâm lý được xử lý. Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ rằng rắc rối tâm lý không gây đái dầm tiên phát.

7. Lạm dụng tình dục

Lạm dụng tình dục có thể là một yếu tố gây đái dầm ở trẻ trước đó không gặp khó khăn trong vấn đề này. Cần nghĩ tới lạm dụng tình dục nếu thấy trẻ có các biểu hiện: nhiễm trùng tiết niệu mạn tĩnh, ra nhiều chất tiết vì bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, ngứa hoặc đau ở bộ phận sinh dục.

8. Các tình trạng bệnh lý

Chưa tới 3% trường hợp đái dầm có nguyên nhân là tình trạng bệnh lý. Việc thăm khám tỉ mỉ và làm một số xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp phát hiện vấn đề. Đái dầm có thể đi kèm ngừng thở khi ngủ, bệnh thiếu hồng cầu hình liềm, nhiễm trùng tiết niệu, tiểu đường và một số bệnh lý thần kinh. Bệnh lý thường xuất hiện nhiều hơn trong đái dầm thứ phát.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc