(VnMedia) - Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là 1,73%. Như vậy, mỗi năm thế giới có khoảng 8 triệu trẻ chào đời với một dị tật bẩm sinh.
Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu em bé sinh ra, trong đó có: 1.400 - 1.800 trẻ bị bệnh Down (Trisomy 21); 200 - 250 trẻ bị hội chứng Ewards (Trisomy 18); 1.000 - 1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh; 300 - 400 trẻ bị suy giáp bẩm sinh; 15.000 - 30.000 trẻ bị thiếu men G6PD; 200 - 600 trẻ bị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh; 2.200 trẻ bị Thalassemia (tan máu bẩm sinh) thể nặng sinh ra và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.
Ảnh minh họa |
Các bác sỹ biết, từ các kết quả nghiên cứu ban đầu ở Việt Nam cho thấy tình trạng tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh tại Việt Nam bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ yếu như: sai lệch di truyền (bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn gen, rối loạn chuyển hóa…); trong quá trình mang thai, bà mẹ tiếp xúc mọi trường độc hại (hóa chất, không khí, đất, nước…); mẹ uống thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ; mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng trong khi mang thai: giang mai, rubella, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng sinh dục…
Theo lời khuyên của các bác sỹ, để phát hiện và xác định các nguyên nhân gây ra tật, bệnh bẩm sinh ở thai nhi và trẻ sơ sinh, thai phụ cần đến khám và thực hiện sàng lọc theo hướng dẫn của bác sĩ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản.
Việc sàng lọc trước sinh có thể thông qua việc khám thai định kỳ, siêu âm, xét nghiệm trong thời kỳ mang thai sẽ giúp các cặp vợ chồng biết chính xác 80-90% thai nhi khỏe mạnh hay có vấn đề về sức khỏe.
Bên cạnh đó, có thể thực hiện sàng lọc sơ sinh bằng cách lấy máu gót chân trẻ trong vòng 48 giờ sau sinh, nhằm phát hiện các bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh…
Việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh này không ảnh hưởng đến thai nhi và sức khỏe của trẻ mà sẽ giúp ngành y tế can thiệp sớm, hạn chế tối đa dị tật từ trong bụng mẹ, để trẻ sinh ra được bình thường và khỏe mạnh.
Ý kiến bạn đọc