Khi nào nên cai sữa cho trẻ?

06:55, 03/07/2014
|

(VnMedia)  - Cai sữa nghĩa là trẻ bú sữa mẹ được bổ sung dần thức ăn và chế phẩm của sữa thay cho sữa mẹ tới khi hoàn toàn ngừng bú sữa mẹ. Vậy khi nào nên cai sữa cho trẻ?

 

Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất hoàn hảo cho sự phát triển của trẻ nhỏ, nhưng rồi cũng đến lúc cần cai sữa cho bé. Nguyên tắc chung để cai sữa cho con là giảm thời gian bú, cho bé bú thưa dần hoặc ăn no trước khi bú. Nhưng làm thế nào bạn biết đã đến lúc nên và có thể cai sữa cho bé?

Một số người cho rằng sữa mẹ là tốt nên nếu mẹ còn sữa thì cứ tiếp tục cho con bú, vừa tiện lợi vừa tiết kiệm. Nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, cùng với sự lớn lên của trẻ, sữa mẹ cũng giảm dần về chất lượng và trở nên loãng hơn. Sau khi trẻ được 10 tháng, hàm lượng protein trong sữa mẹ đã không bằng một nửa lúc ban đầu, trong sữa lại thiếu vitamin B12. Như vậy, ngoài thiếu dinh dưỡng ra, trẻ còn có thể mắc bệnh thiếu máu, phù tế bào do thiếu vitamin B12 khi mắc bệnh này. Nhìn bề ngoài, trẻ vẫn rất bụ bẫm, nhưng thực ra đó chỉ là sự bụ bẩm giả tạo.

 

Trẻ có sắc mặt vàng bủng, ít quấy khóc, ít cười hơn trước, không vồ vập khi trông thấy mẹ. Đó là những biểu hiện do thiếu vitamin B12 làm hệ thống thần kinh bé ảnh hưởng dẫn tới thoái hóa trí lực. Nếu nặng, trẻ sẽ bị run bắn toàn thân không thích ăn, buồn nôn, nôn ọe.

 

Ngoài ra, hàm lượng sắt trong sữa mẹ không đủ có thể dẫn tới thiếu máu. Những trường hợp thiếu cả vitamin B12 lẫn sắt như vậy gọi là thiếu máu dinh dưỡng hỗn hợp. Trên cơ sở đó, sức đề kháng của trẻ sẽ giảm sút và trẻ dễ mắc các bệnh khác nhau như nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phổi...


Thông thường, mọi người chủ trương bắt đầu cai sữa cho trẻ khi trẻ được 9-10 tháng, từ hai bữa cơm, ba bữa bú dần dần tiến tới ba bữa cơm hai bữa bú hoặc các chế phẩm thay thế sữa khác.

 

Trẻ từ 1 tuổi đến 1 tuổi rưỡi thì cai sữa hoàn toàn, muộn nhất cũng chỉ tới 2 tuổi là cùng. Nhưng tốt nhất là không nên cai sữa cho trẻ vào mùa hè, vì cai sữa vào mùa xuân, thu và đông trẻ sẽ khó mắc bệnh tiêu hóa hơn. Nếu nuôi dưỡng một cách khoa học, tăng dần thức ăn bổ sung cho trẻ thì cai sữa sẽ không có khó khăn gì và bé sẽ lớn lên một cách khỏe mạnh.



Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


 

Những lưu ý khi cai sữa cho con


- Người mẹ cần phải trang bị đủ kiến thức và kinh nghiệm nếu có trước khi cai sữa cho bé.

- Không nên dừng cho con bú đột ngột vì điều này không tốt cho cả mẹ lẫn con. Tốt nhất, các mẹ nên giảm dần số lượng lần cho con bú . Cách làm này sẽ giúp mẹ không bị cương sữa và bé cũng không bị sốc dẫn đến quấy khóc cả ngày. Ví dụ trước đây mỗi ngày bạn cho bé bú khoảng từ 7 - 8 lần/ngày mỗi lần khoảng 5 phút thì nay hãy rút xuống còn 3 - 4 lần/ngày mỗi lần khoảng 3 phút, rồi từ từ cắt hẳn.


- Nếu đã bắt đầu ngưng không cho trẻ bú sữa, thì cần đồng thời kết hợp cho trẻ ăn ngoài bằng các loại sữa thay thế thông thường như sữa bột, sữa hộp, sữa đặc hay sữa bò (chỉ nên áp dụng phương pháp này sau khi trẻ đã lớn trên 1 tuổi).

 

- Khi cho bé ăn dặm cần chế biến những món ăn thật mềm, nhỏ như cháo loãng hay bột, vừa tốt cho tiêu hóa và sự phát triển răng của trẻ vừa loại trừ những nguy cơ bị hóc, nghẹn.

 

- Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.

 

- Chế biến đa dạng các loại thực phẩm cho bé ăn để tạo cảm giác hứng thú khi ăn.


 - Trong thời gian cai sữa cho con, nếu thấy ngực bị đau và cương thì mẹ có thể dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm, đặt vào ngực để ngực mềm dần rồi vắt sữa ra hoặc hút cho thông sữa.

 

- Không nên cai sữa cho trẻ vào những ngày thời tiết xấu như trời quá nóng, quá ẩm hay quá rét, khi mà ngay cả người lớn cũng thấy mệt mỏi khó chịu. Sự thay đổi một thói quen ăn uống và các stress xuất hiện lúc này dễ làm trẻ ốm. Cũng nên tránh thời điểm trẻ bị ốm, mệt mỏi, sốt và đặc biệt là khi bị tiêu chảy (lúc này, hệ tiêu hoá còn yếu nên sữa mẹ là thức ăn an toàn nhất).

 


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc