Bạn đã biết cách sơ cứu khi bị bỏng?

19:39, 10/06/2014
|

(VnMedia)  - Bỏng là tổn thương do tác dụng trực tiếp của các yếu tố vật lý (nhiệt, bức xạ, điện…) hoặc yếu tố hoá học (acid, kiềm…) gây ra trên cơ thể. Khi bị bỏng, việc tự sơ cứu là rất cần thiết. Nhiều trường hợp do xử lý sai nên đã để lại những hậu quả đáng tiếc.

 

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Những vụ hoả hoạn liên tiếp sảy ra không chỉ làm thiệt hại về tài sản mà còn gây ra những thương tích bỏng cho nạn nhân. Trong đó có rất nhiều vụ bỏng lẽ ra ít nghiêm trọng hơn nếu biết được sơ cứu kịp thời, đúng cách.

 

Bỏng là tổn thương do tác dụng trực tiếp của các yếu tố vật lý (nhiệt, bức xạ, điện…) hoặc yếu tố hoá học (acid, kiềm…) gây ra trên cơ thể.

 

Da là bộ phận thường bị tổn thương nhất khi bị bỏng, kế đến là các lớp sâu dưới da (gân, cơ, xương, khớp, mạch máu, thần kinh) và một số cơ quan nội tạng (đường hô hấp, ống tiêu hoá, bộ phận sinh dục…). Khi bị bỏng, việc tự sơ cứu là rất cần thiết. Nhiều trường hợp do xử lý sai nên đã để lại những hậu quả đáng tiếc.

 

Dưới đây là cách sơ cứu bệnh nhân bỏng theo khuyến cáo của các bác sĩ bệnh viện Bỏng quốc gia:

 

Làm nguội bằng nước mát, sạch: Tuỳ trường hợp bỏng sẽ có cách sơ cứu khác nhau. Cách tốt nhất là dùng nước mát trắng sạch làm nguội vùng da thịt bị bỏng. Nước mát trắng sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương.

 

Kem đánh răng, mỡ trăn làm bỏng nặng hơn: Khi xảy ra bỏng, người nhà nạn nhân rất hay tuỳ tiện sử dụng những kinh nghiệm chữa bỏng dân gian như bôi kem đánh răng, đổ nước mắm vào, rắc vôi bột, bôi lòng trắng trứng, mỡ trăn, nhựa chuối, bùn ao, vôi bột, có trường hợp còn xát cả muối hột vào vết bỏng… Thực tế điều trị cho thấy những cách chữa bỏng này chẳng những không giảm bớt mà còn làm nặng thêm, vì vậy cần phải hết sức tránh làm theo.

 

Bỏng nước sôi: Khi sơ cứu không cởi bỏ quần áo vì có thể dẫn tới lột da vùng bị bỏng mà ngâm ngay phần cơ thể bị bỏng vào nước lạnh sạch trong thời gian từ 15 – 20 phút (không dùng nước đá để làm mát vết bỏng). Sau đó băng nhẹ vết bỏng bằng gạc đã vô trùng hoặc vải sạch không có lông tơ, rồi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không bôi bất kỳ loại thuốc hay chất gì lên vết bỏng.

 

Bỏng do lửa cháy: Dùng nước hoặc cát dập tắt lửa hoặc có thể dùng áo khoác, chăn, vải bọc kín chỗ đang cháy để dập lửa (tuyệt đối không dùng vải nhựa, nilông). Xé bỏ phần quần áo đang cháy âm ỉ hoặc bị thấm nước nóng, dầu hay các dung dịch hoá chất. Bọc vùng bỏng chắc chắn rồi đổ nước lạnh lên. Các bước tiếp theo làm tương tự như bỏng nước sôi.

 

Bỏng do điện giật: Không vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu ngay. Nguyên tắc sơ cứu là sau khi tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, phải để nạn nhân nằm ngay tại chỗ trên một nền cứng, ấn ngực và hô hấp nhân tạo. Khi nào tim đập lại mới đưa đi cấp cứu.

 

Do mất nước qua vết bỏng, rối loạn vi tuần hoàn (giảm lượng máu lưu thông) nên bệnh nhân bỏng rất dễ bị sốc nặng. Để phòng sốc, bù dịch càng nhanh càng tốt, đơn giản nhất là cho uống nước, đặc biệt những nước khoáng, muối… Cấp cứu bỏng tuy đơn giản nhưng đòi hỏi phải khẩn trương, linh hoạt. Người cấp cứu thành thạo có thể tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm cho nạn nhân. 70% số nạn nhân bỏng nếu được giữ sạch, sẽ lành tự nhiên.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc