(VnMedia) - Theo các chuyên gia sức khỏe, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đang gia tăng mạnh qua từng năm. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về vấn đề này, tuy nhiên, tính đến năm 2009, riêng Bệnh viện Nhi Trung ương có 1752 bệnh nhi bị tự kỷ (trước đó, năm 2008 là 963 trẻ).
Các chuyên gia nhận định, con số trên chưa bao gồm số trẻ tự kỷ tại các bệnh viện khác trên cả nước và con số thực tế còn có thể cao hơn, vì còn có rất nhiều trẻ tự kỷ chưa được khám bệnh và điều trị kịp thời.
Hiện nay, khi nhắc đến căn bệnh tự kỷ, các bậc cha mẹ trẻ thường có hai xu hướng: lo lắng thái quá hoặc không chịu chấp nhận sự thật là con mình bị mắc bệnh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Tự kỷ là một trong những hội chứng rối loạn phát triển ở trẻ em, ảnh hưởng đến nhiều mặt về sự phát triển của trẻ nhưng chủ yếu là: khiếm khuyết về tương tác xã hội, khiếm khuyết về giao tiếp (không lời và lời nói) và có những hành vi bất thường.
Những biểu hiện của chứng tự kỷ khá đa dạng và có mức độ khác nhau, do vậy có những trẻ bị mắc bệnh thể nhẹ thường được phát hiện muộn khi đang học tiểu học. Ngược lại có những trẻ bị nặng, thể điển hình có thể được cha mẹ phát hiện và đưa đi khám sớm từ lúc 12 - 18 tháng tuổi.
Theo các chuyên gia, việc chẩn đoán đúng và phát hiện sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc trị liệu, bởi triệu chứng bệnh tự kỷ thường bắt đầu trong 3 năm đầu đời của trẻ. Một đứa trẻ tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp sớm thì 30% có cơ hội khỏi hoàn toàn, 70% còn lại phát triển nói chung là tốt, có thể có trẻ giao tiếp được bằng lời nói hoặc không thể giao tiếp bằng lời nói, nhưng ý thức được hành vi và độc lập được cuộc sống.
Nếu trẻ tự kỷ không được phát hiện sớm, hoặc phát hiện sớm nhưng gia đình không chấp nhận can thiệp và rơi vào tình trạng nặng, kèm theo chậm phát triển trí tuệ thì sau này sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần.
Ý kiến bạn đọc