(VnMedia) - Theo tin từ Cục Y tế dự phòng, ngày 28/4, đã có thêm một trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong ngày 28/4, đã có thêm một trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Như vậy từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 128 trường hợp tử vong do sởi và có liên quan đến sởi.
Cũng trong ngày 28/4, cả nước ghi nhận thêm 35 trường hợp mắc sởi, nâng số người mắc sởi lên 3.751 người tại 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Có 15 tỉnh, thành phố không ghi nhận trường hợp mắc sởi mới. Tại bệnh viện Bạch Mai, không có bệnh nhân nghi sởi nhập viện.
Theo thống kê, hàng năm, trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận khoảng 2 trường hợp tử vong do các nguyên nhân khác nhau.
Hiện nay, phần lớn số bệnh nhân nhập viện là những trường hợp mắc bệnh nặng có liên quan đến sởi, thời gian tới có thể vẫn tiếp tục ghi nhận những trường hợp tử vong liên quan đến sởi.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm vắcxin sởi tại các tỉnh, thành phố được nâng lên do các tỉnh tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vét vắcxin sởi.
Kết quả thực hiện kế hoạch tiêm vắcxin sởi phòng chống dịch và tiêm vét vắcxin sởi chung trên toàn quốc đến ngày 28/4 là 79,4%, tăng 1,1% so với ngày 27/4. 49 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi đạt tỷ lệ cao trên 70% và Bạc Liêu vẫn là tỉnh duy nhất có tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi thấp dưới 50%.
Trong ngày 28/4, lãnh đạo Bộ Y tế đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi tại Bệnh viện Nhi đồng I, II; đoàn công tác của Bộ tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi tại Bắc Ninh.
Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với 11 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương để triển khai Kế hoạch tiêm bổ sung vắcxin sởi miễn phí cho trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi tại một số tỉnh nguy cơ cao ban hành kèm theo Quyết định số 1484/QĐ-BYT ngày 26/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ảnh minh họa.
Phân luồng ngay tại phòng khám để tránh lây lan bệnh sởi
Ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thị sát tại các Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện quận Bình Tân TP.HCM để kiểm tra, đánh giá tình hình bệnh sởi.
Để tránh lây lan bệnh sởi trong bệnh viện, bà Tiến yêu cầu bệnh viện thực hiện cách ly điều trị, phân luồng bệnh nhân, giảm tải bệnh viện bằng cách phân tuyến, sàng lọc.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện phân luồng bệnh nhân ngay từ đầu vào tại khu vực phòng khám. Không để trẻ đến khám do các triệu chứng nghi nhiễm sởi ngồi chờ khám, đi chung một đường, tiếp xúc nói chuyện với các bệnh nhân khám không phải sởi tại chung khu vực phòng khám.
Đồng thời, người đứng đầu ngành y tế cũng nhắc nhở bệnh viện cần vệ sinh, sát trùng cả sàn nhà, giữ không khí thông thoáng để diệt vi khuẩn vì phòng máy lạnh, càng kín, càng lạnh thì mức độ vi khuẩn lây lan càng cao.
Theo Bộ Y tế, chỉ có một cách phòng ngừa, kéo giảm bệnh sởi hiệu quả là tiêm vắc xin phòng bệnh. Nhiều phụ huynh của bệnh nhi sởi nhập viện đều cho biết trẻ chưa được tiêm ngừa sởi, với lý do ngày tiêm con bị bệnh, sốt, không tiêm được.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, các bệnh viện cần giảm số ngày nằm viện, bệnh nhân nhẹ không có biến chứng, đã tiến triển tốt thì cần tư vấn, cho phụ huynh để trẻ điều trị sởi tại nhà nhằm giảm tải, tránh lây chéo bệnh sởi trong bệnh viện.
Vì vậy, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị các bệnh viện điều trị sởi phải đảm bảo thực hiện quy trình khám bệnh đề phòng chặt chẽ lây lan chéo bệnh sởi với bệnh nhi đang mắc các bệnh khác. Các y bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho bé bệnh sởi xong phải vệ sinh, khử khuẩn nghiêm ngặt trước khi qua chăm sóc cho các bé bệnh nặng khác.
Ý kiến bạn đọc