Khi nào trẻ mắc sởi nên nằm viện?

13:04, 23/04/2014
|

(VnMedia)  - ThS BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh sởi không biến chứng không cần phải nhập viện vì có thể gây lây nhiễm chéo cho trẻ khác hoặc bị lây bệnh từ các bệnh nhân khác. Vậy khi nào nên cho trẻ nằm viện?

Bệnh sởi do virus sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.

Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác. Đây là bệnh lây nhiễm từ người sang người.

Khi nào nên cho trẻ nằm viện?

Theo bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Nhàn, bệnh sởi không biến chứng không cần phải nhập viện vì có thể gây lây nhiễm chéo cho trẻ khác hoặc bị lây bệnh từ các bệnh nhân khác. Trong quá trình chăm sóc tại nhà, phụ huynh nên theo dõi nếu thấy trẻ có một trong những dấu hiệu sau thì đưa đến cơ sở y tế khám ngay, đặc biệt là ở giai đoạn ban sởi đã lặn:

- Li bì
- Co giật
- Sốt cao khó hạ
- Mệt hơn
- Thở bất thường
- Tiêu chảy
Lưu ý: Ho nhiều và sốt liên tục không phải là dấu hiệu nguy hiểm.
Những trẻ bệnh sởi có biến chứng, đặc biệt là viêm phổi phải được điều trị tại bệnh viện có phương tiện hỗ trợ hô hấp như hệ thống thở áp lực dương liên tục qua mũi (CPAP) hoặc máy thở.

Vì sao trẻ bị sởi dễ biến chứng viêm phổi?

Virus sởi tấn công vào hệ thống miễn dịch làm suy giảm sức đề kháng của trẻ. Vì vậy, trong thời gian mắc bệnh sởi trẻ dễ bị bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác, đặc biệt là các vi khuẩn từ đường hô hấp gây viêm phổi hoặc từ đường tiêu hóa gây tiêu chảy, tiêu đờm máu.


 Ảnh minh họa

 Trẻ bị sởi không phải trường hợp nào cũng phải nhập viện.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi

- Sốt 38-39 độ C và sốt liên tục.
- Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy.
- Có những chấm nhỏ khoảng 1 mi-li-mét nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; chấm có màu đỏ, sung huyết, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12 đến 18 giờ.
- Sau khi sốt 3 đến 4 ngày, trẻ bị phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân, sau khi bay để lại vết thâm trên da.
- Trẻ ăn kém, mệt, mỏi. Thường thì 3 bốn 4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay, nhạt màu dần, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Trẻ lại sức dần và hết sốt.

Xử trí khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sởi

Khi trẻ có sốt và phát ban nghi ngờ bệnh sởi nên đưa trẻ đến khám bệnh tại cơ sở y tế nhà nước vì nếu đúng là bệnh sởi thì bác sĩ sẽ kê đơn và cấp phát Vitamin A viên nang liều cao 100.000 đơn vị. Đây là loại thuốc mà các nhà thuốc tư nhân không được bán.

Chăm sóc trẻ bị bệnh sởi

Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Có thể sử dụng paracetamol để hạ sốt khi trẻ sốt cao trên 38,5độ C. Trong khi chờ tác dụng hạ sốt của thuốc, phụ huynh nên lau mát  trẻ bằng nước ấm.
- Uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm lỏng dễ tiêu giàu dinh dưỡng.
 - Nên cách ly trẻ bệnh với các trẻ khác ít nhất 4 ngày từ khi mắc bệnh.

Cách phòng bệnh tốt nhất

Bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Nhàn khẳng định rằng, tiêm vắcxin là cách phòng bệnh tốt nhất. Phụ huynh nên đưa trẻ từ 9 tháng tuổi (chưa tiêm phòng sởi) đến các điểm tiêm chủng trong hệ thống y tế nhà nước tiêm vắc xin sởi. Mũi tiêm thứ nhất lúc 9 tháng tuổi thường không đạt hiệu quả tối ưu nên phụ huynh cần đưa trẻ quay lại tiêm mũi thứ hai lúc 18 tháng tuổi. Trẻ tiêm đủ hai mũi sẽ được bảo vệ tốt và hầu như không mắc bệnh sởi nặng.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Các bậc phụ huynh hãy nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe cho các cháu.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc