Hà Nội tổ chức Festival Niềm tin và Ánh sáng

13:25, 14/04/2014
|

(VnMedia) - Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam và 43 năm thành lập Hội Người mù TP. Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Hội người mù Thành phố  tổ chức Festival Niềm tin và Ánh sáng lần thứ II - năm 2014.
 
Theo ước tính, trên thế giới cứ 5 giây trôi qua lại có thêm một người bị mù và cứ một phút trôi qua lại có một đứa trẻ vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Đó là điều không may mắn cho hàng triệu cá nhân và là thách thức đối với toàn xã hội.
 
Hà Nội hiện có 8.746 người khiếm thị, rất nhiều người trong số đó đã trở thành những tấm gương về nghị lực, vượt lên số phận, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.
 
Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam (17/4/1969 – 17/4/2014), 43 năm thành lập Hội Người mù thành phố Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Hội người mù Thành phố Hà Nội tổ chức Festival Niềm tin và Ánh sáng lần thứ II - năm 2014. Đây là Festival dành cho người khiếm thị Thủ đô theo sáng kiến của Thành đoàn Hà Nội.
 
Festival được tổ chức với các nội dung thiết thực, ý nghĩa mang tính nhân văn như: tổ chức các gian trại giới thiệu về hoạt động của hội người mù các quận, huyện, thị, các sản phẩm do người khiếm thị làm ra; Cuộc thi “Kéo co”; tôn vinh 10 tấm gương người khiếm thị tiêu biểu; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ; trao kỷ niệm chương “Vì Hạnh phúc Người mù”; giao lưu với các nhạc sỹ khiếm thị với nghị lực vươn lên mọi khó khăn; ký kết phối hợp giữa Thành đoàn Hà Nội với Hội Người mù thành phố Hà Nội.
 
Tham dự Festival có gần 500 hội viên Hội Người mù Thành phố Hà Nội và hơn 1000 cán bộ Đoàn, Hội, đoàn viên, thanh niên, sinh viên cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
 
Festival là ngày hội thể hiện sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng, xã hội với những người khiếm thị; là cơ hội loại bỏ dần sự kỳ thị và rào cản, xây dựng tình cảm, ý thức trách nhiệm của lớp trẻ với người khuyết tật. Đó sẽ là động lực quan trọng giúp những người chịu thiệt thòi tiếp tục có thêm nghị lực, niềm tin để vươn lên trong cuộc sống, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng và xã hội.
 
Theo Ban tổ chức, Chương trình muốn gửi đến thông điệp rằng, nếu biết tạo cơ hội học tập, việc làm, hôn nhân, tâm lý xã hội, không kỳ thị - phân biệt đối xử với người khuyết tật, chắc chắn người khuyết tật sẽ có nhiều đóng góp cho xã hội.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc