(VnMedia) - Bia là một thức uống yêu thích và cũng có lợi cho sức khỏe con người. Uống bia với lượng vừa phải có thể tạo tính kháng viêm, giảm nguy cơ bệnh tim mạch vành. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những người phải nói không với bia.
Uống bia có thể giúp ngăn ngừa việc hình thành các cục máu đông có thể gây tắc động mạch ở tim, cổ và não, nguyên nhân chính gây ra tình trạng đột quỵ của người. Trong bia có nhiều chất giúp phân giải các chất béo trong cơ thể và giúp bộ máy tiêu hoá làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng uống được bia.
Uống nhiều bia gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa. |
Dưới đây là những người không nên uống bia:
Người bị viêm dạ dày mãn tính: Người bị viêm dạ dày mãn tính, dù có uống được rượu cũng không nên uống nhiều bia. Qua nghiên cứu, rượu bia có thể làm giảm sức đề kháng của niêm mạc dạ dày, làm niêm mạc dạ dày bị tổn thương, khiến bệnh viêm dạ dày nặng thêm.
Người bị viêm gan: Sau khi vào cơ thể, chất cồn trong bia phải trải qua quá trình lọc và chuyển hóa ở gan. Các độc tố của bia sẽ tích tụ ở gan và làm cho bệnh ngày càng nặng thêm.
Người bị loét dạ dày và tá tràng: Những người này thường có nhiều axit dạ dày. Trong bia có nhiều CO2, khi vào cơ thể sẽ làm tăng axit dạ dày, gây đau bụng do vết loét kịch phát, thậm chí còn gây thủng ở nơi loét, đe dọa tính mạng.
Người đang bị sỏi tiết niệu: Trong mạch nha để làm bia có chứa một số thành phần như kali và các muối kháng, có thể làm cho hạt sỏi bị to lên nhanh chóng. Do đó, bệnh nhân bị sỏi trong hệ tiết niệu nên uống ít hoặc không uống bia.
Người đang uống thuốc: Bia có thể kết hợp với nhiều loại thuốc, gây tác dụng phụ, đặc biệt là với các loại thuốc kháng sinh, an thần, hạ huyết áp, chống tiểu đường và chống đông máu.
Phụ nữ cho con bú: Vì rượu bia làm bằng mạch, mà lúa mạch có tác dụng ức chế sự tiết ra của sữa mẹ, nên phụ nữ đang cho con bú không nên uống bia.
Những lưu ý khi uống bia:
Nhiệt độ của bia không nên quá thấp: Bia có nhiệt độ quá thấp không những uống không ngon mà còn làm cho protein ở trong bia bị phân giã, thành phần dinh dưỡng bị phá hỏng. Ở trong nhiệt độ từ 5-10độ C, các loại thành phần dinh dưỡng và các mùi vị ở trong bia tươi ổn định nhất.
Không uống quá nhiều bia: Nếu ngày nào bạn cũng uống nhiều bia sẽ ảnh hưởng đến sự hoạt động thông thường của tế bào, cũng có thể dẫn đến sự tích trữ mỡ từ đó gây ra “bụng bia” và còn ảnh hưởng đến chức năng thông thường của tim mạch. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mỗi ngày chúng ta không nên uống vượt quá 1000ml.
Không nên ăn cùng với cá hun khói: Trong thực phẩm hun khói hàm chứa axit amin hữu cơ, quá trình chế biến sẽ sản sinh ra biến chất như Polycyclic hydrocarbon, axit amin và thậm chí là cả Benzopyrene. Khi uống quá nhiều bia làm cho hàm lượng cồn trong máu tăng cao, những chất kể trên trong thực phẩm hun khói sẽ kết hợp lại với nhau, từ đó gây ra các bệnh về tiêu hóa, thậm chí u bướu.
Không uống thay nước lọc: Bia có thể giải khát, giúp cơ thể đổ mồ hôi nhiều, nhưng không nên dùng nó thay cho nước lọc, sẽ kích thích nội tiết tố tuyến thượng thận, do đó nhịp tim tăng, khô miệng, loãng máu…
Không uống bia cùng các loại hải sản như cá, tôm, cua, nghêu, sò huyết... có hàm lượng đạm khá cao. Nếu dùng chúng kèm với thức uống là bia thì có hại vì bia cản trở quá trình bài tiết đạm thừa ra khỏi cơ thể. Trong các chất đạm của hải sản chứa nhiều purin và axit glycoisides rất dễ kết hợp với vitamin B1 có trong bia để tạo thành những hợp chất khó thải loại khỏi cơ thể.
Lượng đạm thừa không được bài tiết đó sẽ đọng lại trong các khớp xương và mô cơ, gây nên chứng bệnh sưng nóng, đỏ đau các khớp và cơ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm tổn hại cho khớp, gây bệnh gút.
Ý kiến bạn đọc