(VnMedia) - Than hoạt tính thường được sử dụng trong dân gian để điều trị một số bệnh như ăn uống khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng và một số ứng dụng khác trong sinh hoạt thường ngày như lọc nước, lọc không khí (khẩu trang), làm mỹ phẩm. Tuy được coi là thuốc rẻ tiền nhưng nó lại luôn được xem là thuốc đầu tay trong cấp cứu, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong điều trị và xử lý ngộ độc nấm độc
Than hoạt tính thường được làm từ gỗ hoặc từ các phế chất hữu cơ khác như xơ dừa, vỏ gáo dừa, các chất này được nung ở nhiệt độ 950độ C trong lò quay. Ở nhiệt độ này, thành phần carbon phản ứng hóa học với hơi nước và một số chất hóa học khác có trong lò quay sẽ tạo ra rất nhiều lỗ rỗng bên trong hạt than, hình thành nên một sản phẩm được gọi là than hoạt tính. Nhờ đó, than hoạt tính có đặc tính rất xốp, diện tích bề mặt rất lớn, diện tích từ 500-2.500 m2/1g sản phẩm. Với đặc tính như vậy, các vết rỗng, nứt vi mạch đều có tính hấp thụ rất mạnh, vì bề mặt riêng rất lớn của than hoạt tính nên nó có khả năng thu giữ một số chất trên bề mặt (sự hấp phụ), kể cả chất vô cơ lẫn hữu cơ. Riêng các chất khí như: carbonic (CO2), hydrogen sulfua (H2S), amoniac... có thể hấp phụ được một khối lượng gấp từ 50-100 lần khối lượng của nó.
Than hoạt tính không độc, khi uống vào không hấp thu vào máu mà thải ra ngoài cơ thể theo phân (tạo màu đen). Than hoạt tính có vai trò quan trọng trong xử trí và điều trị ngộ độc thực phẩm đặc biệt than hoạt tính đã được các bác sỹ bệnh viện Bạch Mai đã dùng cấp cứu, điều trị có hiệu quả các trường hợp ngộ độc nấm độc ở tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Tuyên Quang.
Hướng dẫn sử dụng than hoạt tính khi ngộ độc thực phẩm:
- Ngộ độc thực phẩm cấp tính do vi sinh vật và độc tố: thường dùng ở dạng viên nén nhai, viên nang, viên bao đường, với liều thường dùng từ 62,5- 125 mg/1 lần x 2-3 lần/ngày, dùng sau bữa ăn, trong 4 – 5 ngày. Trường hợp ăn khó tiêu, người lớn có thể dùng 125mg/1 lần x 2-3 lần/ngày.
- Ngộ độc thực phẩm cấp tính do hóa chất: thường dùng ở dạng bột mịn hoặc dạng nhũ dịch.
+ Dạng bột mịn: người lớn dùng 50 gam, khuấy trong 250 ml, lắc kỹ trước khi uống, có thể dùng ống thông dạ dày. Nếu nhiễm độc nặng nhắc lại nhiều lần từ 25-50g, cách nhau 4—5 giờ. Có thể phải kéo dài đến 48 giờ. Trẻ em dùng 1g/kg thể trọng, trường hợp nặng có thể lặp lại 4-6 giờ.
+ Dạng nhũ dịch: liều dùng mỗi ngày đối với người lớn là 200 ml, trẻ em 100 ml. Tổng lượng phải dùng có thể từ 1 - 6 lọ hoặc nhiều hơn, tùy vào mức độ ngộ độc. Nếu là ngộ độc nhẹ, chỉ cần dùng 1 lọ, nhưng nếu là ngộ độc nặng (kim loại…), có thể phải dùng 6 lọ trở lên.
- Ngộ độc thực phẩm do nấm độc: người lớn dùng 1g/kg thể trọng, trẻ em 1-2 g/kg thể trọng. Trường hợp nặng cho uống than hoạt tính nhiều lần (3- 4 giờ/1 lần), kèm theo sorbitol (người lớn 6 gói, trẻ em 2-4 gói). Than hoạt tính và sorbitol dùng ít nhất trong vòng 3 ngày.
Dùng than hoạt tính dù ở dạng nào phải được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 1-3 giờ sau khi chất độc được đưa vào cơ thể. Thuốc sẽ không còn tác dụng khi chất độc đã ngấm vào máu. Vì vậy, khi nghi ngờ ăn phải chất độc, cần uống thuốc ngay.
Than hoạt tính không độc nhưng lưu ý tác dụng phụ của các thành phần của thuốc khác khi sử dụng dạng biệt dược, vì vậy cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, hoặc tham khảo thêm ý kiến của thầy thuốc. Nếu uống quá nhiều than hoạt tính có thể gây táo bón, làm buồn nôn, nôn mửa.
Lưu ý khi dùng than hoạt tính:
- Không nên dùng than hoạt tính thường xuyên và lâu dài vì khi uống, trong đường tiêu hóa than hoạt tính không chỉ liên kết các chất độc mà còn làm giảm tác dụng của nhiều chất có lợi trong cơ thể (các men, vitamin, acid amin...)
- Không uống than hoạt tính cùng một lúc với các thuốc khác mà nên uống cách nhau khoảng 2 giờ, do thanh hoạt tính có thể hấp phụ loại thuốc dùng chung, dẫn đến làm giảm sự hấp thu thuốc vào máu và làm thuốc kém tác dụng.
- Không dùng trong trường hợp bệnh nhân hôn mê sâu, đang cơn co giật, người uống phải xăng dầu, các hóa chất có sắt, axit hay kiềm mạnh;
- Không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Ý kiến bạn đọc