(VnMedia) - Theo các chuyên gia Viện dinh dưỡng Quốc gia, sắt và axit Folic là 2 thành tố quan trọng tham gia vào quá trình tạo máu. Sắt là thành phần của huyết sắc tố (có trong hồng cầu) và nhiều men khác trong cơ thể. Sắt tham gia vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng tới cho tất cả các tế bào của mọi cơ quan, bô phận.
Sắt và axit Folic là 2 thành tố quan trọng tham gia vào quá trình tạo máu.
Chất sắt phân bố không đều trong thực phẩm và tỉ lệ hấp thu, sử dụng trong cơ thể rất khác nhau. Thức ăn nguồn gốc động vật nói chung (thịt, trứng, gan…) giàu chất sắt và có tỉ lệ hấp thu cao(hấp thu 30%); các loại đậu đỗ có nhiều chất sắt và tỉ lệ hấp thu tương đối cao (hấp thu 20%); các loại ngũ cốc, lương thực đều nghèo chất sắt và tỉ lệ hấp thu thấp (hấp thu 5%). Các loại rau, quả chứa ít chất sắt nhưng rất giàu vitminC vừa giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể vừa hỗ trợ hấp thu sắt tốt.
Đối với phụ nữ, nhu cầu sắt tăng lên từ khi dậy thì cho đến khi mãn kinh do bị mất máu hành kinh hàng tháng. Với phụ nữ có thai, nhu cầu sắt tăng cao hơn nhiều vì phải nhường 350mg sắt cho thai nhi, 25mg sắt cho rau thai. Như vậy trong suốt quá trình mang thai nhu cầu sắt của người phụ nữ là 1.000mg để làm tăng khối lượng máu của mẹ, cung cấp cho thai nhi và bù lại lượg máu mất lúc sinh. Nhu cầu này phân bố không đều phần lớn tập trung vào những tháng cuối của thai kỳ đó là lý do tại sao các bà mẹ có thai có tỉ lệ thiếu máu cao vào giai đọan những tháng cuối. Nếu bị thiếu máu người mẹ sẽ mệt mỏi, dễ xảy thai, đẻ non, đẻ con nhỏ yếu (suy dinh dưỡng bào thai), dễ bi băng huyết khi sinh thậm chí có thể dẫn tới tử vong cả mẹ và con.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, axit folic là một trong những yếu tố quan trọng cần thiết cho quá trình tạo máu. Axit folic cùng với vitaminB12 tham gia vào quá trình cấu tạo tế bào hồng cầu. Đặc biệt axit folic có vai trò trong cấu tạo và phát triển hệ thống thần kinh của thai nhi. Nếu khẩu phần ăn của người mẹ trong giai đọan mang thai bị thiếu axit folic, đặc biệt trong giai đọan mới thụ thai sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo máu và phát triển của thai nhi với các biểu hiện: cân nặng sơ sinh thấp, dị tật ống thần kinh, ống thần kinh đóng không kín hòan tòan dẫn đến nhiều bệnh lý của cơ thể như bại liệt, não úng thủy, thai chết lưu….
Nguồn thực phẩm chứa axit folic rất đa dạng: gan động vật (bò, gà, lợn), các loại rau xanh thẫm, hoa lơ, đậu quả, nấm, các hạt nảy mầm (mầm lúa mì, mầm lúa, giá đỗ) chứa nhiều axit folic. Trong thực phẩm axit folic dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ, ánh sáng mặt trời. Trong quá trình chế biến tỉ lệ axit folic bị mất từ 50-90%.
Để phòng chống thiếu sắt và axit folic trong khẩu phần các bà mẹ cần ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm, tăng cường ăn các thứa ăn giàu sắt và axit folic. Thực phẩm cần lựa chọn tươi, sạch, khi mua về cần chế biến ngay và thực hiện ăn ngay sau khi nấu để tránh hao hụt các thành phân trên. Bên cạnh chế độ ăn uống đa dạng, đủ dinh dưỡng, giàu chất sắt và axit folic; để phong chống thiếu máu ở bà mẹ và dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Các bà mẹ cần uống bổ sung thêm viên sắt/axit folic hàng ngày với liều 60mg sắt nguyên tố và 0,4mg axit folic hoặc viên đa vi chất ngay từ lúc bắt đầu có thai (nếu sơm hơn từ lúc có ý định có thai càng tốt) đến 1 tháng sau đẻ.
* Mỗi năm trên thế giới có tới 400.000 trẻ sinh ra có dị tật ống thần kinh. Nguyên nhân cụ thể gây ra dị tật này có liên quan đến cả yếu tố di truyền và môi trường, đồng thời liên quan với vấn đề thiếu hụt axit folic. Hiện nay một số nghiên cứu cho thấy axit folic còn giúp cho cơ thể phòng chống một số bệnh tim mạch, ung thư.
Ý kiến bạn đọc