(VnMedia) - Gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám tại phòng khám Khoa Tim Mạch với tình trạng ngất tương đối tăng. Vậy ngất là gì, nguyên nhân nào gây ra cơn ngất và làm sao để phát hiện ra ngất?
Ảnh minh họa.
BS.Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Khoa Tim Mạch, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, ngất là tình trạng mất ý thức tạm thời kèm theo mất trương lực tư thế gây ra bời giảm lưu lượng máu não. Ngất có thể đi kèm với tụt huyết áp, giảm nhịp tim, hay có sự thay đổi về phân phối lượng máu trong cơ thể. Ngất có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Vậy làm sao để biết một trẻ là có ngất?
Thông thường, trước khi ngất trẻ sẽ có triệu chứng choáng váng hoặc mắt tối xầm lại, ù tai, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, mặt tái nhợt và toát mồ hôi lạnh, ta gọi đây là giai đoạn tiền triệu. Giai đoạn này xảy ra rất nhanh, hiếm khi quá 30 giây.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phượng trong một số trường hợp trẻ lại không có giai đoạn tiền triệu này (như là nhịp nhanh thất, rung thất hoặc vô tâm thu gây ra ngất). Vào lúc khởi đầu của cơn ngất bệnh nhân thường ở tư thế đứng, cho nên giai đoạn tiền triệu này có thể giúp bệnh nhân có thời gian để nằm xuống tránh được các chấn thương do té ngã.
Tình trạng mất ý thức dài hay ngắn, còn nhận biết môi trường xung quanh hay hôn mê sâu thì tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân, có khi kéo dài vài giây đến vài phút hoặc có thể lâu đến 30 phút. Thường thì ý thức của bệnh nhân sẽ phục hồi ngay, nhưng ở 1 số bệnh nhân vẫn còn cảm thấy yếu ớt, và đứng dậy quá sớm có thể gây ra một cơn ngất khác.
Nguyên nhân gây ngất
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ngất: nguyên nhân thường gặp nhất là ngất có nguồn gốc phó giao cảm( 20 -40%) và khoảng 30% là không tìm thấy nguyên nhân.
- Ngất do phó giao cảm.
- Ngất do tư thế đứng
- Ngất do tim.
- Ngất do xoang cảnh.
- Ngất do tăng áp động mạch phổi nguyên phát.
- Ngất do thần kinh thiệt hầu và thần kinh X.
- Ngất do mạch máu não.
- Ngất do tiểu tiện.
- Ngất do tăng áp lực trong lồng ngực.
Ngoài ra chúng ta cũng có những bệnh cảnh lâm sàng tương tự như ngất như: động kinh, chóng mặt, tăng thông khí, cơn thoáng thiếu máu não,cơn hạ đường huyết hoặc Hysteria.
Như vậy, ngất có thể do nhiều nguyên nhân gây ra hoặc không có nguyên nhân và có thể nhầm lẫn triệu chứng với những bệnh khác. Vì thế khi phụ huynh thấy trẻ có cơn ngất như nêu trên, hãy cho trẻ đến những cơ sở Chuyên Khoa Khi để được khám và kiểm tra nhằm tìm nguyên nhân của bệnh. Bởi vì những bệnh nhân bị ngất không rõ nguyên nhân có tỉ suất tử vong sau 1 năm là 6% và tần suất đột tử là 4%, còn những bệnh nhân bị ngất do nguyên nhân tim thì có tỉ suất tử vong sau 1 năm là từ 18 -33% và tần suất đột tử là 24%.
Đây là một tình huống cần phải cảnh giác, chớ có bỏ qua vì nó sẽ có thể gây ra những hậu quả nặng nề về sau.
Xử trí khi trẻ bị ngất
Khi gặp một trường hợp ngất, chúng ta phải biết xử trí ban đầu kịp thời như:
- Đỡ bệnh nhân trước khi bị ngã.
- Đặt bệnh nhân ở tư thế đầu thấp hơn chân để làm tăng lượng máu lên não. Nếu bệnh nhân không thể nằm, ta có thể đặt bệnh nhân ngồi xuống và đưa người ra trước, để đầu ở giữa hai đầu gối.
- Nới lỏng quần áo trên cơ thể bệnh nhân và đưa bệnh nhân đến nơi thoáng, nhiều oxy.
Lưu ý: không nên vỗ hay lắc bệnh nhân, không cho ăn hoặc uống bất cứ thứ gì kể cả nước để tránh trường hợp bệnh nhân ngạt thở. Tình trạng bệnh nhân không hồi tỉnh hoặc ngất xỉu trở lại nên đưa bệnh nhân đến trạm y tế gần nhất.
Ý kiến bạn đọc