(VnMedia) - Tại Hà Nội, bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu đang tăng cao. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Theo các bác sỹ chuyên khoa, thủy đậu là một bệnh rất dễ lây, thường bùng phát vào mùa đông xuân. Bệnh hay gặp ở trẻ 1 - 9 tuổi. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây nhiều người lớn cũng bị thủy đậu. Hiện số bệnh nhân mắc vẫn tiếp tục gia tăng. Đa số người mắc chưa được tiêm vaccine phòng thủy đậu.
Ảnh minh họa. (Nguồn ANTĐ) |
Ban đầu, người bệnh thường sốt cao. Sau 1 - 2 ngày bắt đầu có các biểu hiện điển hình của thủy đậu là phát ban, phỏng nước trên da. Trên cùng một vùng cùng có các ban mới mọc, đã vỡ, tạo bỏng nước xen lẫn nhau. Thời gian từ khi xuất hiện đến khi vỡ là khoảng 2 - 3 ngày.
Nếu điều trị đúng chỉ định và vệ sinh sạch sẽ, không bị biến chứng thì bệnh thủy đậu sẽ khỏi sau 5 - 7 ngày. Có một tỷ lệ nhỏ phải nhập viện vì ban mọc quá nhiều hoặc biến chứng viêm da, viêm phổi, viêm não - màng não...
Các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa con đi tiêm phòng bệnh khi được 12 tháng tuổi.
Nhiều người quan niệm khi bị thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió thật kỹ nên khi bị thủy đậu thường kiêng không tắm rửa, vệ sinh cơ thể, thậm chí không dám ra khỏi nhà vì tránh gió. Đây là một quan niệm sai lầm. Theo các bác sỹ, với bệnh thủy đậu, người bệnh vẫn cần tắm rửa, vệ sinh hàng ngày nhưng cần phải đun nước ấm, tốt nhất tắm bằng nước lá chè xanh đun sôi, giữ ấm cơ thể, chú ý súc miệng nước muối thường xuyên và ăn uống nhiều chất để tăng cường đề kháng.
Thực tế có những bệnh nhân khi mắc thủy đậu, vì kiêng nước quá kỹ, không dám tắm rửa nhiều ngày liền dẫn đến nhiễm trùng ở các vết mụn nước (do ngứa, gãi nhiều dẫn đến xước, các mụn nước bong vẩy sớm). Trường hợp bị nhiễm trùng nặng, bội nhiễm, virus tấn công vào bên trong cơ thể qua chỗ da xước, gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.
Ý kiến bạn đọc