(VnMedia) - Các bác sĩ nhi khoa cho biết, thời tiết lạnh ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen sinh hoạt và sức khỏe của con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chỉ cần tuân theo một vài nguyên tắc nhỏ thì các bà mẹ không cần phải lo lắng hay lúng túng khi chăm sóc trẻ vào những ngày lạnh.
Mùa đông, thời tiết lạnh buổi sáng sớm thức dậy nhiệt độ xuống thấp. Với tiết trời như thế, cả người lớn lẫn trẻ em đều dễ bị cảm lạnh, biểu hiện bởi hắt xì, sổ mũi, ho, sốt nhẹ. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi dễ bị mắc bệnh viêm tiểu phế quản, là bệnh do siêu vi gây ra, gây nên ho, khò khè, khó thở.
Ths.Bs.Bùi Nguyễn Đoan Thư - Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trẻ càng nhỏ (dưới 6 tháng tuổi) bệnh càng dễ trở nặng. Đối với những trẻ lớn hơn 2 tuổi có cơ địa dị ứng sẵn, đây là thời điểm dễ xảy ra các cơn hen suyễn kịch phát theo mùa và làm nặng thêm các triệu chứng đã có từ trước. Tuy nhiên, viêm phổi vẫn là bệnh phổ biến nhất có ở tất cả các lứa tuổi, dễ bị nặng ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
Trước hết, bạn nên chú ý đến nhiệt độ và độ ẩm trong nhà, đồng thời phải đảm bảo không khí luôn trong lành và được làm mới liên tục. Không khí trong lành đóng vai trò rất quan trọng cho sức khỏe của trẻ. Vì thế, hàng ngày bạn nên mở cửa sổ trong khoảng thời gian nhất định để không khí trong phòng được lưu thông, tránh ô nhiễm. Thời gian tốt nhất để mở cửa sổ là vào buổi sáng sau khi sương đã tan hoặc sau 3h chiều.
Về nhiệt độ trong phòng, các bác sỹ khuyến cáo nên duy trì trong khoảng 25 - 28 độ C là tốt nhất, không nên để nhiệt độ quá chênh lệch so với thời tiết ngoài trời. Bên cạnh đó, bạn nên cho bé mặc quần áo có độ dày phù hợp để tránh "đắp" lên người bé quá nhiều quần áo vừa khiến bé khó cử động vừa làm cho bé bị bí khí. Khi quấn chăn ủ cho bé, bạn cũng không nên quấn quá chặt, quá kín, chỉ cần đủ giữ ấm là phù hợp.
Một vấn đề rất được các bà mẹ quan tâm và gây nên không ít băn khoăn là việc tắm cho bé trong mùa đông có nên tiến hành hàng ngày không? Trên thực tế, các bác sĩ khẳng định, tắm hàng ngày rất có lợi cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Trừ trường hợp đặc biệt như bé bị ốm hoặc trời quá lạnh thì bạn mới hoãn tắm cho bé, còn không thì nên đều đặn tắm cho bé mỗi ngày.
Nguyên tắc để phòng ngừa bệnh lý đường hô hấp chính là tăng cường sức đề kháng và hạn chế tiếp xúc nguồn lây, được thực hiện bằng cách: giữ ấm cơ thể đúng mức (không để cho quá nóng đến mức đổ mồ hôi), không tiếp xúc với người đang mắc bệnh hô hấp, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi chạm vào các vật dụng nơi công cộng như: tay nắm cửa vòi nước, bàn ghế… tránh xa các nguồn ô nhiễm như khói bụi, khói thuốc lá, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng và năng tập thể dục.
Đối với trẻ đang mắc bệnh, dù cơ thể đang mệt mỏi, trẻ biếng ăn, ăn dễ bị ói, cha mẹ vẫn cần giúp trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng bằng cách chia nhỏ các cữ ăn để trẻ dễ hấp thu, đỡ bị ói, nhằm bảo đảm hệ miễn dịch của trẻ hoạt động tốt, mau đẩy lùi bệnh.
Ngoài ra, cần tuân thủ đúng theo toa thuốc bác sĩ đã kê, không tự ý ngưng sớm khi bệnh vừa có dấu hiệu thuyên giảm để tránh sinh ra kháng thuốc hoặc bệnh trở nặng hơn.
Trẻ sơ sinh sức đề kháng của cơ thể còn yếu nên trẻ dễ mắc bệnh và bệnh thường trở nặng. Vì trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn nên người mẹ cần ăn uống cân bằng đầy đủ các chất dinh dưỡng kể cả rau xanh và trái cây tươi để tăng cường lượng vitamin thiên nhiên.
Với dịch cúm gia cầm vẫn còn lưu hành thì nhất thiết phải sử dụng các sản phẩm gia cầm có uy tín, nấu nướng kỹ, phải rửa tay sạch sẽ sau khi sơ chế và trước khi ăn, tránh tiếp xúc với những người có biểu hiện nghi ngờ cúm, dù đa số chỉ mắc bệnh cúm mùa.
Ý kiến bạn đọc