(VnMedia) - Ngày Tết là thời gian đặc biệt trong năm, cha mẹ ít có thời gian chăm lo cho bữa ăn của trẻ vì thế trẻ thường ăn uống, nghỉ ngơi...thất thường, nhiều trẻ đã béo phì thì càng béo phì, trẻ suy dinh dưỡng lại càng suy dinh dưỡng.
Vậy làm sao để cân bằng dinh dưỡng cho bé trong những ngày Tết mà mẹ không mất nhiều thời gian nấu nướng?
Ảnh minh họa.
Phó trưởng khoa Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 Tôn Nữ Thu Trang đã có một số lời khuyên cho các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong ngày Tết:
Trẻ dưới 2 tuổi
Đối với trẻ ở tuổi này, chế độ ăn của bé chủ yếu là sữa, các sản phẩm từ sữa, bột hoặc cháo giàu chất dinh dưỡng (có chứa đủ thực phẩm thuộc các nhóm giàu chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng). Mẹ cần lưu ý:
- Dự trữ cho bé những món ăn giàu chất dinh dưỡng, dễ ăn như bánh flan, yaourt…
- Với các bé có chế độ ăn là cháo, mẹ có thể cho bé ăn các loại bột ăn dặm thay cho cháo vì các loại bột này đã được chế biến đủ chất dinh dưỡng và chỉ cần nấu chín bằng cách pha với nước ấm.
- Nếu sử dụng “cháo ăn liền”, để cân đối giữa các chất dinh dưỡng phải cho thêm một muỗng dầu ăn trước khi cho nước sôi vào cháo. Bé ăn xong cháo thì cho bé ăn một miếng phô-mai hoặc một quả trứng luộc để có chất đạm, sau đó cho bé ăn trái cây nếu mẹ không có sẵn rau để nấu cho bé.
Trẻ trên 2 tuổi
Đối với trẻ trên 2 tuổi, thức ăn của trẻ đa dạng hơn. Bé có thể ăn các món ăn truyền thống ngày Tết cùng với gia đình.
Trẻ từ 2-5 tuổi
Chế độ ăn của bé trong một ngày gồm 3 bữa chính và 3 bữa phụ. Mẹ cần lưu ý:
- Các bữa phụ của bé phải là các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như sữa, yaourt, bánh flan, chè đậu, bánh bông lan…Các loại thức ăn ngọt như kẹo, mứt, các loại nước ngọt mặc dù cung cấp năng lượng rất cao (40g-50g mứt các loại, hoặc 14 viên kẹo trái cây, hoặc 1 lon nước ngọt sẽ cung cấp năng lượng bằng môt chén cơm đấy!) nhưng nó chỉ chứa phần lớn là chất đường. Ngoài ra, vị ngọt của đường có khả năng gây ức chế tiết dịch vị làm cho bé chán ăn sẽ bỏ ăn hoặc ăn ít trong bữa ăn chính. Vì vậy, mẹ cần kiểm soát chặt chẽ loại thức ăn này, không nên để bé ăn bao nhiêu tùy thích.
- Bánh chưng bánh tét được làm từ nếp, thịt, đậu xanh nên rất giàu chất dinh dưỡng và năng lượng rất cao, có thể làm bữa ăn chính thay cho bữa cơm hằng ngày của bé. Trung bình một miếng bánh chưng có trọng lượng khoảng 100g cung cấp năng lượng 200 Kcal, tương đương với 1 chén cơm trắng và 30g thịt hoặc cá các loại.
Điều cần lưu ý là bữa ăn ngày Tết của bé thường thiếu rau, mẹ nên dự trữ những loại rau có thể ăn mà không cần chế biến như dưa chuột, cà chua, sà lách…
Ngoài ra, để tránh cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa trong dịp Tết, các bậc cha mẹ cần chú ý:
- Duy trì chế độ ăn của trẻ gần với ngày thường.
- Nên cho trẻ ăn hoa quả, rau xanh
- Thức ăn nên chế biến đơn giản, không quá cầu kỳ, không nên cho nhiều gia vị và phải phù hợp với khẩu vị của trẻ.
- Phải kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ để tránh lạm dụng các thực phẩm ngày Tết, đặc biệt là bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhiều chất béo. Nên tăng cường trong bữa ăn rau xanh, các loại thủy hải sản thay vì chỉ sử dụng thịt để chế biến.
- Thời tiết nóng dễ làm trẻ mất nước. Vì vậy việc cho trẻ uống nước thường xuyên là hết sức cần thiết.
- Đối với trẻ còn đang bú mẹ phải duy trì tối đa nguồn sữa mẹ giúp trẻ có sức đề kháng tốt hơn với các bệnh tật.
Ý kiến bạn đọc