(VnMedia) - Đêm 3/01, tại phòng trà We, ca sĩ Ánh Tuyết đã tổ chức đêm nhạc đặc biệt để quyên góp ủng hộ nhạc sĩ Thanh Bình, tác giả ca khúc “Tình lỡ” nổi tiếng, đang sống trong cảnh cơ hàn.
Ánh Tuyết và Qúy Bình trong đêm nhạc
Diễn viên Quý Bình, các ca sĩ Đức Tuấn, Thụy Long và Vân Khánh cũng tham gia trình diễn trong đêm nhạc đặc biệt với những tác phẩm của nhạc sỹ Thanh Bình. Ca sĩ Ánh Tuyết và các nghệ sĩ hợp ca Những nẻo đường Việt Nam, trong khi đó chị cùng diễn viên Quý Bình thể hiện ca khúc chủ đề - Tình lỡ, Ðức Tuấn hát Lá thư về làng, Thụy Long hát Một kỷ niệm và Chiều vàng trên sông, Vân Khánh hát Mai chị về em gửi gì không... Ngoài số tiền Ánh Tuyết kêu gọi quyên góp được hơn 50 triệu, toàn bộ doanh thu từ đêm nhạc 3/01 đã được gửi hết vào sổ tiết kiệm dành tặng nhạc sĩ Thanh Bình.
Tác giả ca khúc "Tình lỡ" và các nghệ sĩ
Nhạc sỹ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932, nguyên quán Bắc Ninh. Mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi, vài năm sau cha ông cũng mất. Ông có một chị và hai em gái. Nay chị và em gái út đã mất, còn cô em kế sống ở Pháp nhưng không có liên lạc gì. Năm 19-20 tuổi ông viết truyện dài Gió dập mưa vùi, Mình còn trẻ lắm. Khoảng 1952-1953, ông viết truyện ngắn và đưa tin văn hóa văn nghệ cho nhiều tờ báo: Tia Sáng, Liên Hiệp, Tin Sớm, Bình Minh, Văn Nghệ... với bút danh Thanh Bình. Nhạc sĩ Phó Quốc Thăng là cậu ruột của ông nhưng ông lại say mê cảm hứng học nhạc từ giáo sư âm nhạc Phạm Sửu tại Thanh Hóa. Từ năm 1950-1954, ông xuôi ngược các vùng miền Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Sầm Sơn, Hà Nội rồi sau đó vào Nam khai sụt tuổi để trốn lính.
Đức Tuấn cũng tham gia đêm nhạc này
Ông có hàng loạt tác phẩm nổi tiếng đáng nhớ đã lần lượt ra đời trong những thập niên 1950, 1960 và 1970 của thế kỷ trước như: Tiếc một người, Chiều vàng trên sóng, Còn nhớ hay quên, Ðừng đến rồi đi, Gặp gỡ duyên nhau, Hợp đoàn mà ca lên, Mưa qua sông, Kẻ ở (thơ Quang Dũng), Bông súng đồng quê, Thương nhau hát lý qua cầu...
NSUT Mỹ Uyên xúc động theo dõi chương trình
Nổi tiếng nhất vẫn là Tình lỡ - bản tình ca đã được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam cất cao tiếng hát chinh phục trái tim khán giả mộ điệu, đã biết bao nước mắt, nụ cười xúc cảm theo lời ca. Cái thời khắc phân ly kẻ đi người ở đã để lại cho đời một tác phẩm mà mãi đến bây giờ hầu như ai ai cũng biết, cũng nghêu ngao thấm thía đến từng từ của cái phận đời đen bạc:
“Thôi rồi, còn chi đâu em ơi!
Có còn lại chăng dư âm thôi
Trong cơn thương đau men đắng môi
Yêu rồi tình yêu sao chua cay,
Men nào bằng men thương đau đây
Hỡi người! Bỏ ta trong mưa bay
Phương trời mình đi xa thêm xa
Nghe vàng mùa thu sau lưng ta
Em ơi, em ơi thu thiết tha”...
Bài hát ông viết cho chính cuộc đời mình và cho một cuộc tình đẹp không phần kết. Họ lạc nhau khi đất nước chia cắt để rồi trọn đời ly biệt. Nhưng cuộc tình ấy, người con gái ấy đã theo đuổi nỗi nhớ trong ông đến tận bây giờ…
Ý kiến bạn đọc