(VnMedia) - Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) ngày 2/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vấn đề ATTP liên quan không chỉ đến sản xuất, lưu thông hàng hóa mà còn ảnh hưởng đến thói quen, sức khỏe của từng người, thậm chí của cả giống nòi.
Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành đầy đủ các kế hoạch, chương trình hành động để đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng còn nhiều vướng mắc cụ thể là do chúng ta chưa quyết liệt hành động, phối hợp, chỉ đạo chưa nhịp nhàng. Không thể nói rằng đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ATTP nếu hành động chưa quyết liệt, Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu chính quyền cơ sở phải vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền thông tin cho cơ sở sản xuất, nâng cao kiến thức sử dụng của người dân.
Bộ trường Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, thực phẩm bẩn gây nhiễm độc mạn tính cho người dân là ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay, thì cần phải có sự phối hợp của nhiều bộ ban ngành khác nhau, chứ không phải chỉ 3 bộ làm (Bộ Công an, Bộ NNPTNT, Bộ Y tế).
Cũng tại Hội nghị này, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả báo cáo của 54 chi cục địa phương. Theo đó, năm 2013, trong tổng số hơn 24.000 mẫu được giám sát thì có tới 45,3% mẫu thực phẩm bị nhiễm bào tử nấm mốc, tỷ lệ nhiễm các vi khuẩn gây tả và ngộ độc thực phẩm cũng khá cao như nhiễm Coliforrms 26,5%, E.Coli 18,4%, Pseudomonas aeruginosa 18%. Về ô nhiễm hóa học, mẫu dương tính với Aldehyde (chất tự sinh trong quá trình lên men rượu có khả năng gây suy nhược thần kinh) có tỷ lệ tới hơn 78%. Ngoài ra có tới 23% thực phẩm bị chiên rán qua dầu ôi khét, 12% mẫu nhiễm Cyclamete, 8,4% mẫu có hàn the, 7,9% có chất “chết người” Methanol và chất “ngâm xác” formol cũng có trong 4% mẫu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thời gian tới, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm mới với mức phạt gấp 7 lần so với trước; trình Chính phủ Đề án xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống cảnh báo nhanh nhằm tạo điều kiện cho các địa phương trong vấn đề kiểm nghiệm về thực phẩm.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật ATTP và các văn bản liên quan; tập trung thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại các khâu, mặt hàng, vùng trọng điểm với tinh thần xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý: Việc thanh tra, xử phạt phải nghiêm khắc, đúng luật, phải công khai danh tính cơ sở vi phạm ra cộng đồng. Đối với hộ kinh doanh cá thể thì tuyên truyền, giáo dục là hết sức quan trọng bởi có thể họ chưa nhận thức được đầy đủ về vấn đề ATTP.
Nếu nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, rau, quả, nhất là những cơ sở cá thể, biết rằng việc sử dụng các chất cấm có thể gây tổn hại đến sức khỏe của người dùng tương đương như việc gây thương tật đến mức phải truy tố trách nhiệm hình sự thì họ sẽ không làm vậy. Nếu giáo dục không được, khi đó chúng ta xử lý nghiêm thì xã hội sẽ đồng tình, Phó Thủ chỉ đạo.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính, KHĐT các địa phương lưu ý kiến nghị về cơ chế tài chính, trang thiết bị đối với các lực lượng thanh tra ATTP trên địa bàn; các địa phương tăng cường cán bộ làm công tác thanh tra về vệ sinh ATTP từ cấp Trung ương đến cấp xã, trong đó tận dụng cán bộ xã, phường kiêm nhiệm thanh, kiểm tra về ATTP.
Ý kiến bạn đọc