(VnMedia) - Theo các bác sỹ chuên khoa, tình trạng thiếu sắt ở phụ nữ khi mang thai có thể gây nên đẻ non, con bị suy dinh dưỡng, suy tim và giảm khả năng nhận thức…
Tại một hội thảo khoa học cập nhật lâm sàng về sản phụ khoa, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS TS Nguyễn Việt Tiến cho biết, hiện tỷ lệ bà mẹ mang thai thiếu sắt ở Việt Nam cũng như khu vực Châu Á- Thái Bình Dương là hơn 66%.
Dù khẩu phần dinh dưỡng của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể nhưng còn khá nhiều người thiếu máu do thiếu sắt, đặc biệt là với phụ nữ mang thai, có thể gây nên đẻ non, con bị suy dinh dưỡng, suy tim và giảm khả năng nhận thức.
Ảnh minh họa |
Theo Bác sỹ Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, biện pháp bổ sung sắt phổ thông nhất từ trước tới nay là sử dụng viên sắt qua đường uống. Tuy nhiên, khả năng hấp thu sắt bằng phương pháp này không cao và 1/3 số người sử dụng bị tác dụng phụ ở hệ thống tiêu hóa.
Trong trường hợp thiếu máu nặng, việc bổ sung viên sắt đường uống không đủ do dự trữ sắt nội sinh bị cạn kiệt, không đủ sắt để thành lập erythropoietin. Trong khi đó, một liệu pháp mới là sử dụng sắt truyền qua tĩnh mạch để bổ sung sắt cho bệnh nhân, nhất là phụ nữ mang thai lại không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào, phục hồi dự trữ sắt nhanh, hiệu quả rõ rệt hơn việc bổ sung sắt bằng đường uống. Sau khi tiêm tĩnh mạch, nồng độ sắt trong huyết tương cao hạn chế sự đào thải sắt qua hệ thống lưới nội mô và ức chế sự hấp thụ sắt qua niêm mạc ruột, do đó cung cấp đủ số lượng sắt cho sự hình thành erythropoietin (hồng cầu). Điều trị thiếu máu thiếu sắt bằng cách bổ sung sắt đường uống, còn sắt truyền tĩnh mạch được dành riêng cho các trường hợp thiếu máu nặng.
Ý kiến bạn đọc