(VnMedia) - Mới đây tại bệnh viện Bạch Mai đã có ca bệnh suýt tử vong vì chủ quan với bệnh cúm và Bộ Y tế gần đây cũng có khuyến cáo lo ngại về nguy cơ bùng phát cúm A/H7N9 tại Việt Nam. Vậy bệnh cúm thường có những chủng nào và cách phòng bệnh ra sao?
Một bệnh nhân cúm A/H1N1 được điều trị trong phòng cách ly tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: VnExpress) |
Dưới đây là những thông tin liên quan đến bệnh cúm giúp bạn hiểu rõ hơn và biết cách phòng tránh.
Theo các bác sỹ cúm là một bệnh truyền nhiễm lưu hành rất phổ biến ở Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên toàn thế giới có từ 250.000 - 500.000 bệnh nhân tử vong vì bệnh cúm. Vì tính chất nguy hiểm của bệnh Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo người dân lưu ý phòng ngừa bệnh cúm, nhất là các đối tượng có nguy cơ mắc cao như: trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính như hen, viêm phế quản, bệnh lý tim mạch và một số bệnh lý nội tiết chuyển hóa khác.
Bệnh cúm nguy hiểm ở chỗ virút cúm, nhất là virut cúm đang lưu hành hiện nay như cúm A và B là những chủng virút có khả năng biến đổi hàng năm, nghĩa là mỗi năm nó có thể có những biến thể mới mà sự miễn dịch của cơ thể không phát hiện ra nó, do vậy không có khả năng tiêu diệt và nó có thể lây nhiễm, lan truyền rộng rãi, có thể trở thành đại dịch.
Biểu hiện của bệnh cúm: Bệnh nhân thông thường ốt trên 38 độ C, ho, hắt hơi, sổ mũi, nhức mỏi người. Nặng hơn nữa làm bệnh nhân mệt mỏi, đuối sức, gây khó thở, tím tái. Những trường hợp nặng thường liên quan đến cúm A/H5N1 hoặc cúm A/H1N1.
Theo bác sĩ, ngay cả một số trường hợp mắc cúm mùa đôi khi cũng diễn biến rất nặng. Bệnh tưởng thông thường nhưng nếu để biến chứng đường hô hấp dễ gây tắc nghẽn đường thở như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi. Ngoài ra bệnh cúm còn có thể gây biến chứng ngoài đường hô hấp như: viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, tổn thương gan, tổn thương hệ thần kinh, bệnh diễn biến nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp và có thể tử vong.
Bệnh cúm có nhiều chủng với nhiều phương thức lây lan như cúm A/H1N1 lây theo đường hô hấp, cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, cúm A/H7N9 nguy hiểm hơn vì ngoài đường lây như cúm A/H5N1 nó còn có thể lây trực tiếp từ người sang người.
Để phòng ngừa bệnh cúm cho bản thân và những người thân trong gia đình nên hạn chế tiếp xúc với đối tượng bệnh, thường xuyên rửa tay với xà phòng, nhà cửa cần vệ sinh sạch sẽ, vệ sinh đồ chơi cho trẻ em bằng thuốc sát khuẩn. Vì virút cúm thường thay đổi hàng năm nên mỗi năm nên tiêm phòng vắcxin. Những người có dị ứng với trứng gà hoặc thịt gà thì không nên tiêm phòng vắcxin cúm bởi nó có thể gây nên phản ứng chéo.
Các bác sỹ cũng cảnh báo, bất cứ ai khi bị nhiễm cúm nếu sang tới ngày thứ 3 hoặc 4 của bệnh mà thấy đau ngực, khó thở, mệt mỏi nhiều hơn thì cần đến ngay cơ sở y tế đủ điều kiện để được chẩn đoán bệnh và áp dụng cách điều trị phù hợp.
Điều trị cúm hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, người dân trong sinh hoạt hàng ngày cần có ý thức tăng cường sức đề kháng, khi bị bệnh nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng. Các loại thuốc được coi là trị cảm cúm thực chất chỉ chữa triệu chứng (giảm hắt hơi, sổ mũi...) chứ không phải là thuốc điều trị bệnh, việc sử dụng thuốc diệt virút phải được bác sĩ chỉ định tùy trường hợp, không được tự ý dùng.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc