(VnMedia) - Bệnh tiểu đường còn được gọi là Đái Tháo Đường là bệnh liên quan đến đến sự gia tăng của chất Glucose trong máu. Chẩn đoán Đái tháo đường khi lượng đường (Glucose) trong máu tăng cao.
Đái tháo đường xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc cơ thể giảm đáp ứng với tác dụng của insulin (đề kháng với insulin) . Insulin, được sản xuất từ tuyến tuỵ , một tuyến nằm sau dạ dày, giúp cho các tế bào của cơ thể sử dụng đường từ máu của bạn.Glucose là một nguồn năng lượng cho các tế bào. Glucose được tạo ra từ thức ăn ( tinh bột) và thức uống .
Khi bị tiểu đường, nồng độ đường trong máu tăng cao. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao hạ thấp lượng đường trong máu là chìa khóa để quản lý bệnh tiểu đường. Giữ lượng đường trong máu ổn định sẽ giúp giảm nguy cơ bị các biến chứng. Đường huyết cao có thể gây tổn hại cho cơ quan và tăng nguy cơ bị bệnh tim.
Bệnh nặng thêm vì ăn kiêng
Nhiều người bị bệnh tiểu đường cho rằng nên ăn ít, thậm chí không ăn hoàn toàn đối với tinh bột, hoa quả chín vì trong đó có nhiều đường, sẽ làm tăng đường huyết.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, nhịn ăn, ăn ít hơn nhu cầu hoặc loại bỏ hoàn toàn tinh bột, trái cây chín… là một trong những sai lầm phổ biến của nhiều người khi biết mình mắc bệnh đái tháo đường. Tình trạng này khiến cơ thể người bệnh thiếu dưỡng chất, thúc đẩy nhanh biến chứng của tiểu đường.
Trong thực tế, với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, dinh dưỡng, tập luyện và thuốc là 3 yếu tố không thể tách rời. Trong đó, dinh dưỡng là nhằm duy trì mức đường huyết huyết trong máu ở giới hạn bình thường hoặc cố gắng ở ngưỡng an toàn để ngăn ngừa và giảm các nguy cơ biến chứng (không làm tăng đường máu sau bữa ăn, không làm hạ đường máu khi đã xa bữa ăn). Nguyên nhân là do tất cả biến chứng cho bệnh nhân tiểu đường đều do đường máu tăng gây nên, nên phải kiểm soát trong giới hạn bình thường sẽ giúp ngăn ngừa, giảm nguy cơ biến chứng của bệnh nhân tiểu đường…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, dinh dưỡng là một vấn đề không thể thiếu để điều trị cho người bị bệnh tiểu đường. Nhưng thực tế, hầu hết bệnh nhân tiểu đường lại sợ không dám ăn, ăn thấp hơn nhu cầu dinh dưỡng khiến một thời gian sau bị suy dinh dưỡng, thiếu chất. Hay sợ tăng đường huyết mà bỏ hoàn toàn tinh bột, chỉ ăn thịt khiến bệnh nhân cứ nhìn thấy thịt là sợ. Hơn nữa, việc ăn quá nhiều chất đạm có thể dẫn đến suy thận hay bệnh gout.
TS Lâm nhấn mạnh: "Điều quan trọng là bệnh nhân nên ăn uống giữ ổn định chất tinh bột trong các bữa ăn, không nên ăn quá nhiều”. Một chế ăn hợp lý cho bệnh nhân tiểu đường vẫn phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường, đạm, chất béo, rau xanh và quả chín; vẫn cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng theo nhu cầu.
Như vậy, dù chữa trị theo cách nào, chế độ ăn uống vẫn đóng một vai trò quan trọng và cần thiết để chữa trị tiểu đường. Mục đích là điều chỉnh chứng tăng glucose huyết và glucose niệu, duy trì một thể trạng hợp lý và làm mất các triệu chứng chủ yếu (nhưng vẫn tránh tình trạng hạ glucose huyết dưới mức bình thường).
Tháp dinh dưỡng của bệnh nhân tiểu đường. |
Chế độ ăn uống của người tiểu đường
- Rau quả: rau mồng tơi, cải bẹ trắng, rau dền cơm, dưa leo, mướp đắng, rau diếp, củ cải, xà-lách xoong, rau muống, cải bẹ xanh, bầu, bí, cần tây, cà chua. Một số rau quả khác cũng rất có ích cho người bị ĐTĐ như: đậu bắp, rau đay, bông súng, củ sắn nước, đậu hũ, đậu cô-ve, đậu xanh, giá sống, nấm đông cô, mộc nhĩ trắng, cà tím, các loại rau thơm, mè đen, tỏi, hành tây… Các loại rau trên nên dùng tươi sống, hoặc luộc chín, hấp, nấu canh, hạn chế dùng dưới dạng xào, chiên nhiều dầu mỡ khó tiêu, nướng chín.
- Trái cây: một số trái cây tươi, ít ngọt sẽ cung cấp nhiều vitamin C và chất khoáng như: mận, điều, cam, quýt, bưởi, khế, mơ, dưa gang, dưa hấu. Một số có thể dùng nhưng chỉ với số lượng ít như: táo tây, nho tươi, đu đủ chín, dứa, chuối… Không nên ăn trái cây khô, trái cây đóng hộp.
- Chất đạm: chỉ nên dùng thịt nạc (heo, bò, gà), trứng hoặc đậu hũ. Cá sông rất tốt cho người ĐTĐ là: cá lóc, cá rô, cá chạch, cá chốt, cá trê, cá bống, cá thác lác. Một số cá biển như: cá chim, cá thu, cá mực, tôm, cua, nghêu, ốc, hến đều có thể dùng.
- Chất béo: nên dùng dầu đậu nành, dầu mè, dầu đậu phụng, dầu ô-liu.
Kiểm soát bệnh tiểu đường
- Chế độ ăn uống khỏe mạnh: Giúp ổn định đường huyết, giảm cân. Là một phần không thể thiếu trong việc điều trị tiểu đường. Tránh kiêng khem quá mức dể dẩn tới suy dinh dưỡng. Hạn chế thức ăn nhiều tinh bột., dầu mỡ không tốt…Nên ăn nhiều rau tươi
- Tập luyện thể lực: Giúp giảm cân, hạ đường huyết, giảm đề kháng insulin, hạ huyết áp, tăng sức cơ…Mỗi ngày nên đi bộ ít nhất 30 phút, 5 ngày trong một tuần.
- Uống thuốc hay tiêm Insulin theo chỉ định: Khi tập thể dục, chế độ ăn không hạ được đường huyết, bạn cần uống thuốc hay tiêm insulin theo chỉ định của Bác sỹ.
- Không hút thuốc lá.
Ý kiến bạn đọc