Mỡ máu gây ra những bệnh nguy hiểm gì?

07:02, 27/09/2013
|

(VnMedia)  - Mỡ máu cao là bệnh phổ biến của thời hiện đại. Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất càng ngày càng được nâng cao thì vấn đề ăn uống cũng được chú trọng hơn rất nhiều, kéo theo bệnh tăng mỡ máu gia tăng. Bệnh mỡ máu không gây tử vong ngay, song những biến chứng từ bệnh gây ra khá nguy hiểm.

Bệnh tim mạch

Khi một người có mỡ máu cao có nghĩa là mỡ trong máu của người đó đang bị rối loạn, một số thành phần mỡ trong máu hoặc quá nhiều hoặc quá ít. Khi bị rối loạn mỡ máu thì rất có khả năng làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Thậm chí còn nguy hiểm. Trong số bệnh tật do mỡ máu bị rối loạn gây ra, bệnh về tim mạch là đáng sợ nhất.

Người ta tổng kết thấy rằng, những người có lượng cholesterol trong máu cao có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cao gấp 2 - 3 lần so với người có lượng cholesterol bình thường (bình thường cholesterol máu dưới 5,2 mmol/l), trong đó rất cần quan tâm đến loại cholesterol xấu. Nếu loại cholesterol toàn phần tăng hoặc cholesterol xấu tăng hoặc tăng cả hai thì nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch càng cao do xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch sẽ làm tăng huyết áp và các hệ lụy kèm theo.

Ngoài ra khi các mảng xơ vữa khi bị bong ra chúng sẽ đi theo dòng máu gây tắc nghẽn mạch vành tim gây đột tử hoặc tắc động mạch não gây tai biến mạch máu não.


 Ảnh minh họa


Đột quỵ

Khi có quá nhiều cholesterol trong máu, chúng sẽ tích tụ trong thành động mạch. Theo thời gian, sự tích tụ này gây ra hiện tượng “xơ cứng động mạch”, làm thành động mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến tim, tuần hoàn lên não bị chậm lại hoặc bị tắc nghẽn hoàn toàn. Khi lượng máu đến não bị tắc nghẽn khiến phần não không nhận đủ máu bị tổn thương dẫn đến đột quỵ.

Trong trường hợp nặng hơn, mạch máu bị tắc nghẽn sẽ bị vỡ ra gây xuất huyết bên trong não. Khi đó, phần cơ thể do phần não bị tổn thương kiểm soát cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Bệnh gan

Mỡ trong máu cao là tình trạng rối loạn chuyển hoá lipid. Chất mỡ trong cơ thể chủ yếu là cholesterol và triglyceride. Chất mỡ triglyceride chủ yếu do thức ăn mang lại, chiếm đến 90% mỡ triglyceride trong máu. Sau một bữa ăn có nhiều chất béo, nồng độ triglyceride trong máu tăng cao, nhưng với một cơ thể khoẻ mạnh thì chỉ 12 giờ sau, hầu như tất cả các triglyceride này sẽ được cơ thể chuyển hoá hết tại gan và mô mỡ.

Mỡ tích tụ trong gan là một trong các nguyên nhân của bệnh gan mãn tính. Ví dụ: gan nhiễm mỡ, xơ gan, suy gan…

Tiểu đường

Mỡ máu cao thường là do chế độ ăn không hợp lý như ăn nhiều mỡ động vật, phủ tạng động vật, trứng (nhất là lòng đỏ trứng), sữa toàn phần, bơ, thịt đỏ, phủ tạng động vật... trong các bữa ăn hàng ngày. Người có nguy cơ bị bệnh mỡ máu đó là người béo phì, do di truyền, mắc một số bệnh về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường. Còn tăng triglycerit hay gặp nhất là do uống quá nhiều rượu, béo phì, di truyền, lười vận động hoặc rối loạn gen chuyển hóa...

Khi tăng triglyceride sẽ làm gan nhiễm mỡ, đề kháng lại chất insulin là nội tiết do tuyến tụy tiết ra có vai trò điều hòa chuyển hóa đường, dễ dẫn đến bệnh tiểu đường.


Viêm tụy

Tuyến tụy là một cơ quan quan trọng, có chức năng sản xuất dịch tiêu hóa cần thiết để hấp thụ thức ăn. Lượng mỡ máu triglycerides quá cao có thể gây viêm tụy cấp. Nếu dịch tiêu hóa bị rò rỉ bên ngoài tuyến tụy, nó có thể đe dọa đến tính mạng.

Giảm trí nhớ

Không chỉ có tuổi tác mà chỉ số mỡ máu triglycerides cao cũng là nguyên nhân gây chứng mất trí nhớ. Lý do là mỡ máu loại này có thể gây hại cho mạch máu bên trong não, góp phần tạo nên một protein độc hại được gọi là amyloid. Chính amyloid làm tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ.

Tóm lại, rối loạn mỡ máu có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh. Do đó nếu bị rối loạn mỡ máu, bạn cần phải thực hiện một số biện pháp sau:

- Hạn chế dùng các loại thực phẩm có chứa các chất béo và cholesterol như bơ, sữa, thịt xông khói, dầu dừa, dầu quả cây cọ, các phủ tạng động vật, da gà, da vịt…

- Giảm béo: với người bị béo phì nên có chế độ giảm béo lành mạnh.

- Nói không với thuốc lá và hạn chế rượu bia.

- Tập thể dục thường xuyên.

Khi đã bị rối loạn mỡ máu nên khám bệnh định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Trong một số trường hợp, bác sĩ khám bệnh cho chỉ định dùng thuốc làm giảm mỡ máu. Tuyệt đối không tự động mua thuốc dùng khi không có đơn của bác sĩ. Bởi vì dùng thuốc giảm mỡ máu cần phải theo dõi chặt chẽ men gan và một số chỉ số sinh hóa khác.

Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc