Ho là triệu chứng của nhiều bệnh nguy hiểm cho trẻ

12:16, 09/09/2013
|

(VnMedia) - Ho là một triệu chứng hay gặp nhất là khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, hít phải nhiều bụi, khói, khói bếp, khói lò… Ho không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh.

Trường hợp, bé Nguyễn Thi L. mới 1 tháng tuổi đã phải cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Trung ương, bé bị ho và sốt. Trong gần một tuần nằm viện những cơn ho dai dẳng khiến bé rất khó chịu, bé thường xuyên quấy khóc với những biểu hiện muốn ho và không thể ho thành tiếng, tiếng thở khụt khịt. Các bác sĩ chẩn đoán, bé đã bị viêm phổi.

Thực tế, trường hợp như bé L. rất nhiều. Do chủ quan của cha mẹ, hầu hết trẻ đến bệnh viện thì bệnh đều đã nặng.

Trong cuộc sống hàng ngày, ho là một triệu chứng hay gặp nhất là khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, hít phải nhiều bụi, khói, khói bếp, khói lò… Ho là phản xạ để tống ra các chất tiết, dị vật,…có ở đường hô hấp trên và hô hấp dưới. Do đó, ho được coi là một cơ chế bảo vệ bộ máy hô hấp. Ho có thể kéo dài nhiều ngày, một cơn ho có thể ngắn hoặc có thể rất dài khiến cho trẻ mệt mỏi, khó thở, bỏ ăn uống, quấy khóc…Ho không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh.

Theo các bác sĩ nhi khoa, có trẻ ho gây rách niêm mạc, vỡ những mạch máu nhỏ, gây ho ra máu… hoặc gây ra những biến chứng khác do áp lực mạnh gây tràn khí trung thất, tràn khí dưới da, màng phổi, có những trường hợp trong cơn ho gà, có trẻ có biểu hiện ngừng thở trong cơn ho.

Nguyên nhân gây ho kéo dài

Nguyên nhân gây ho kéo dài là do người bệnh không được chữa chạy đến nơi đến chốn, không được chữa sớm, chữa đúng (đúng thuốc, đúng bệnh, đúng phương pháp gây nên ho kéo dài. Thứ hai là do bản thân của bệnh ho, bệnh do ho nội thương gây ra thì loại ho này thuộc dạng hư chứng và sẽ là ho kéo dài, ho dai dẳng.

PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho biết, có 3 nguyên nhân chính gây ho kéo dài:

- Nguyên nhân hàng đầu là do nhiễm khuẩn, sau một đợt nhiễm virus có thể gây nhiễm khuẩn.

- Dị ứng: Thay đổi thời tiết, cơ địa trẻ mẫn cảm với các yếu tố dị ứng cũng gây ho.

- Bệnh trào ngược: Các cháu có dịch tiết dạ dày nhiều, van dạ dày không tốt vì vậy nó trào ngược lên đường hô hấp trên làm bệnh nhiễm acid trong dạ dày và gây ho.


Ảnh minh họa


Ảnh minh họa

Biểu hiện của các kiểu ho:

Ho gà: Trẻ ho gà thường ho thành cơn dài, ho liên tục, ho rồi lại ho, đến nỗi trẻ quên thở và kết thúc cơn ho bằng một cái hít sâu tạo ra tiếng giống tiếng gà kêu nên gọi là ho gà. Trẻ thường sổ mũi, hắt hơi, sốt nhẹ. Ho gà có thể có ở bất kỳ lứa tuổi nào, hầu hết xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt ở trẻ chưa được tiêm chủng.

Ho khò khè: Trẻ khò khè, phát ra âm thanh khi trẻ thở ra, do bé bị hen hoặc viêm phế quản. Hoặc nghiêm trọng hơn là do trẻ ho sặc vật lạ vào phổi.

Ho đêm: Trẻ ho về đêm là biểu hiện của nhiều bệnh như khi trẻ cảm lạnh, đờm nhầy từ mũi xoang chảy xuống họng kích thích gây ho khi trẻ ngủ. Bệnh chỉ nghiêm trọng khi trẻ ho, không ngủ được. Trẻ bị hen cũng hay ho về đêm do đường thở có khuynh hướng tăng nhạy cảm, dễ kích ứng về đêm.

Ho ngày: Không khí lạnh hay hiếu động có thể khiến trẻ ho nhiều vào ban ngày. Ngoài ra, thuốc xịt phòng, chó, chim, mèo, hay khói thuốc lá, khói than... có thể làm trẻ ho.

Ho và sốt: Ho, sốt nhẹ kèm sổ mũi là những dấu hiện thường gặp của cảm lạnh. Nhưng ho và sốt từ 39 độC, coi chừng bé bị viêm phổi.

Ho kèm ói: Trẻ em thường ho nhiều tới mức kích thích phản xạ hầu họng, gây ói. Tương tự, một trẻ ho do cảm cúm, hay do cơn hen có thể ói do nhiều đàm ứ đọng trong dạ dày.

Ho kéo dài: Ho cảm cúm có thể kéo dài vài tuần, khi trẻ có những đợt cảm cúm liên tiếp nhau. Hen, dị ứng, viêm xoang mạn tính, viêm phế quản mạn tính có thể gây ho kéo dài. Ho trên 3 tuần là vấn đề cần đưa trẻ đi khám.

Ho gây tím tái: Trẻ đang ăn, uống, hay đang chơi đồ chơi nhỏ, bỗng dưng ho sặc lên, mặt đỏ gay hoặc tím tái... Đó là những dấu hiệu trẻ hít sặc vật lạ, vật lạ đó nhiều khả năng chui vào đường thở và gây nguy hiểm cho trẻ.

Các bài thuốc dân gian

Trong dân gian có các bài thuốc dân gian như bách bộ, cát cánh, tô tử … Các vị thuốc này có tác dụng sát khuẩn, hỗ trợ tích cực trong các trường hợp có viêm nhiễm đường hô hấp.

Bách bộ chủ yếu dùng để trị ho là phế hàn, ho lao. Cát cánh chủ yếu dùng để trị ho nhiều đờm, viêm họng, khản tiếng. Tô tử (hạt tía tô) chủ yếu để trị ho nhiều đờm, hen suyễn và đờm nhiệt.

Nhiều sản phẩm trong thị trường có thành phần tương tự như các bài thuốc dân gian do vậy không chỉ có tác dụng mà còn thuận tiện cho việc sử dụng, được bào chế, sao tẩm theo các bí quyết gia truyền nhiều đời.

Ho tuy đơn giản nhưng không được chủ quan, và khi trẻ bị ho cần tìm ra nguyên nhân gây ra ho để điều trị dứt điểm, tránh để trẻ ho kéo dài để ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Theo các bác sĩ, nếu bé vẫn sinh hoạt bình thường không có dấu hiệu gì đặc biệt thì chỉ cần theo dõi và chăm sóc, đưa trẻ đến bác sĩ nếu bệnh diễn biến ở mức độ nặng như sốt cao, bỏ ăn uống…Việc điều trị kịp thời và đúng cách còn tránh cho trẻ những biến chứng khác như viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc