Em muốn được học hành, góp sức cho xã hội!

06:41, 13/09/2013
|

(VnMedia)  - Hoàng Thị Diệu Thuần - cô gái đã 8 năm liền chiến đấu với căn bệnh ung thư máu và đã được ghép tủy thành công - cô cũng chính là tác giả cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương” với những tâm sự rất thực sẽ là sự động viên, khích lệ lớn lao đối với những bệnh nhân đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nói riêng và các bệnh nhân ung thư nói chung.

8 năm liền chiến đấu với căn bệnh ung thư


Hoàng Thị Diệu Thuần sinh ra và lớn lên ở Quỳ Hợp (Nghệ An). Năm 2005, Thuần là sinh viên năm thứ nhất khoa Tài chính Ngân hàng (ĐH Quốc gia Hà Nội). Một lần tình cờ vào Viện Huyết học thăm người nhà của cô bạn cùng phòng bị bệnh về máu, Thuần nhận thấy mình cũng có những triệu chứng như vậy. Tối hôm đó về ký túc xá, Thuần sợ hãi khóc và nghĩ đến căn bệnh.

Khi Thuần đi xét nghiệm máu, bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay nhưng không nói rõ cô bị bệnh gì. Kể từ đó, cuộc sống của nữ sinh quê Nghệ An gắn liền với giường bệnh, thuốc men và những đợt truyền hóa chất. Từ cô gái cá tính, vui vẻ, mê guitar…, Thuần nằm bẹp một chỗ, sống với những kỷ niệm thời đi học và chịu đựng những cơn đau hành hạ.

Các bác sĩ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, Thuần bị bệnh bạch cầu kinh dòng tủy, tên khoa học là chronic myeloid leukemia. Đây là giai đoạn đầu của căn bệnh mà dân gian vẫn gọi là ung thư máu. Với tùy từng trường hợp bệnh nhân mà giai đoạn này sẽ kéo dài 1-2 năm đến 6-7 năm. Thuần thì chỉ còn một cách là ghép tủy mới có hy vọng cứu sống, nếu không bệnh sẽ tiến đến giai đoạn tăng tốc và giai đoạn cuối - thời gian sống là rất ngắn.

Lúc đó, Thạc sỹ Bạch Quốc Khánh (Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương) cho biết, chi phí của một ca ghép tủy rơi vào khoảng 700 triệu đồng, Thông thường các bệnh nhân nghèo hay ở hoàn cảnh khó khăn như Thuần sẽ không dám nghĩ đến phương án này. Nhưng sau xét nghiệm, Thuần và anh trai được xác nhận là có gen phù hợp để thực hiện phẫu thuật. Nếu ca phẫu thuật được thực hiện và thành công, con đường đến với những mơ ước, đam mê của Thuần sẽ có cơ hội mở ra.

Nghĩ lại thời điểm đó Thuần đã chia sẻ, điều em lo lắng nhất trước khi ghép tủy đó là số tiền điều trị quá lớn trong khi điều kiện kinh tế gia đình em không thể đáp ứng được. Thật may mắn sau đó em được bạn bè , họ hàng và cả những người em chưa từng quen biết giúp đỡ. Còn về sức khỏe của em lúc đó cũng là sự lo ngại chung của cả bác sĩ điều trị và gia đình em: Thể trạng của Thuần thời gian trước ghép rất yếu, cân nặng chỉ 37kg, luôn đau nhức, thời gian mắc bệnh khá dài 7 năm và thêm vào đó virus viêm gan C có thể có tác động xấu trong quá trình ghép tủy. Xét nghiệm HLA của em và anh trai chỉ trùng nhau 90%.

Rất may là sau ghép thì các chỉ số máu của Thuần hồi phục dần dần. Thuần nói: “Điều quan trọng là mình phải làm theo chỉ định của bác sĩ về chế độ ăn uống và vệ sinh, định kỳ tái khám và điều trị sau ghép. Trường hợp của em có virus viêm gan C nên các bác sĩ cũng đặc biệt quan tâm về men gan và theo dõi lượng virus”.

Em nghẹn ngào xúc động: “Để có được những tiến triển tốt như ngày hôm nay, em rất muốn được cảm ơn những bác sĩ đã từng điều trị cho em kể từ năm 2005 đến nay. Đó là bác sĩ Hương, bác sĩ Hà Thanh, bác sĩ Mai Lan, bác sĩ Mai, và đặc biệt là bác sĩ Bình là người đã trực tiếp tiến hành ca ghép tế bào gốc cho em. Những bệnh nhân em đã từng gặp, dù còn hay không còn đến lúc này đã phần nào cho em động lực để tiếp tục điều trị. Mỗi người bệnh có một hoàn cảnh riêng, có người giàu có, có người nghèo khổ nhưng một khi đã mắc căn bệnh này thì đều có sự đồng cảm.

Gia đình và bạn bè luôn bên cạnh và động viên em trong suốt thời gian qua. Bố mẹ là người chăm sóc cho em khi em nằm viện. Bố mẹ là nguồn động viên lớn lao nhất khi em cảm thấy yếu đuối hay suy sụp”.

Mong muốn được học hành, được làm việc và góp sức cho xã hội

8 năm phát hiện bệnh ung thư máu là chừng ấy thời gian Hoàng Thị Diệu Thuần sống với nỗi đau thể xác và sự dồn nén để che giấu cảm xúc. Để quên đi những cơn đau nhức, em đã trải lòng mình vào từng trang tự truyện.

Thuần chia sẻ, em có thói quen viết nhật ký từ những năm còn là học sinh trung học. Sau này khi lên đại học và mắc bệnh Thuần càng có nhiều điều không biết kể cho ai nên nhật ký càng là người bạn thân thiết. Nhưng tiếc là sau đó Thuần bị mất cuốn nhật ký. Đến tháng 9 năm 2011 em được một người bạn của bố khuyên làm thơ và Thuần bắt đầu gửi gắm tâm sự của mình vào đó. “Như hoa hướng dương” chỉ là một phần rất nhỏ những tâm sự và thơ của em.

Trung tâm văn hóa Đông Tây có một quỹ hỗ trợ xuất bản thơ và tự truyện của những người có hoàn cảnh đặc biệt. Thuần là người thứ hai được quỹ hỗ trợ với mục đích cho mọi người thấy được cuốc sống của bệnh nhân ung thư, từ đó có một phần nhỏ tác động đến suy nghĩ của các bạn trẻ.



Ảnh minh họa

Bông hoa hướng dương đã tươi trở lại.


Thuần cho biết, cuối tháng 9 này là được 1 năm kể từ ngày em ghép tế bào gốc tạo máu. Như vậy cũng có thể xem như em đã vượt qua được căn bện dù biết rằng tương lai chưa thể đoán trước được.

Không giấu nổi niềm vui Thuần tâm sự: “Hiện tại thì em vẫn định kỳ vào viện điều trị và theo dõi như các bệnh nhân sau ghép khác. Các chỉ số máu đang tiến triển rất tốt. Với diễn biến sức khỏe như hiện nay em sẽ đi làm trở lại trong thời gian tới”.

Khi hỏi về bí quyết nào giúp em có nghị lực chiến đấu với căn bệnh, Thuần khiêm tốn nói rằng: “Em không có bí quyết gì trong việc điều trị bệnh cả. Điều quan trọng nhất là mình tin tưởng và làm theo chỉ định của bác sĩ. Em biết các bệnh nhân ở viện huyết học là những người hàng ngày đối diện và sống cùng bệnh, họ có nghị lực hơn ai hết và không cần ai phải nói cho họ biết phải nỗ lực như thế nào. Em luôn muốn mình là người bình thường như bao người khác, được học hành, được làm việc và góp sức cho xã hội, đó chắc hẳn cũng là điều mà mọi bệnh nhân đều muốn”.

Và điều Thuần mong muốn nhất là chất lượng dịch vụ y tế được quan tâm hơn nữa để bệnh nhân được điều trị tốt nhất. Bệnh nhân mắc bệnh máu có nhiều trường hợp đặc biệt khó khăn, em mong sẽ có nhiều hơn nữa những chương trình ý nghĩa để quan tâm giúp đỡ họ vượt qua. Đặc biệt, Chương trình Trung thu “kết nối yêu thương” sẽ thực sự có ý nghĩa đối với các bệnh nhi nói riêng và các bệnh nhân ở viện Huyết học nói chung. Điều đó thể hiện sự quan tâm và chia sẻ, yêu thương của mọi người. Em hy vọng các em bệnh nhân nhi sẽ có một trung thu ấm áp và hạnh phúc, mong các em điều trị tốt và khỏe mạnh hơn.

Chiều ngày 13/9, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Bộ Y tế và Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức chương trình Trung thu “Kết nối yêu thương” trao quà tặng và học bổng “VNPT – Chắp cánh tài năng Việt” cho tất cả các bệnh nhân nhi, học sinh, sinh viên đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc