(VnMedia) - Cuộc sống hiện đại có rất nhiều loại rượu thượng hạng nhưng rượu quê vẫn được ưa chuộng. Tuy nhiên, uống loại rượu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe người dùng.
Theo số liệu điều tra từ Viện chiến lược và chính sách y tế, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 450 triệu lít rượu, trong đó có tới 250 triệu lít rượu do người dân hoặc các cơ sở nhỏ lẻ tự nấu. Từ nhu cầu lớn này mà nhiều người đã bất chấp đạo đức để sản xuất các loại rượu cồn gắn mác rượu quê. Nhưng trên bàn nhậu dường như chẳng mấy ai quan tâm đến chất lượng của những loại rượu này.
Ảnh minh họa |
Từ những quán nhỏ ven đường đến những nhà hàng sang trọng người ta vẫn tìm đến rượu quê bởi nhiều lý do. Người thì cho rằng uống rượu quê mới giữ được hồn và tính chất chân quê, vả lại vì cho rằng rượu quê có nồng độ cồn nhẹ hơn các loại rượu khác. Người lại cho rằng rượu quê nút lá chuối mới đúng chất quê và đảm bảo chất lượng.
Với hàng ngàn lý do tin tưởng rượu quê dẫn đến một thực trạng đáng buồn là số người ngộ độc thứ đồ uống có mác rượu quê ngày càng tăng lên. Một thống kê cho thấy, tính tới giữa tháng 12/2012, ngộ độc vì rượu ở nước ta chiếm khoảng 3,5%, số người tử vong do ngộ độc rượu chiếm tới 26% trên tổng số người bị ngộc độc thực phẩm.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Dụ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, rượu nấu nếu được cho thêm hoá chất thì rõ ràng nguy hại cho sức khoẻ người dùng và nguy cơ ngộ độc rất cao. Hiện nay còn có một số nơi còn cho thêm hoa anh túc vào rượu (hoa thuốc phiện). Khi đó, người dùng không những bị ngộ độc rượu vì có độ cồn cao mà còn có thể bị ngộ độc thuốc phiện.
Các triệu chứng nhiễm độc rượu có thể xuất hiện chậm sau 18 - 24 giờ gồm đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, nôn, thở nhanh, suy hô hấp… Nặng hơn có thể bị hôn mê, co giật, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.
Ý kiến bạn đọc