Ai có nguy cơ mắc bệnh sỏi mật?

07:13, 27/08/2013
|

(VnMedia) - Sỏi mật những viên sỏi nhỏ, to, hay bùn mật hình thành trong túi mật hay đường mật. Sỏi mật tấn công chủ yếu phụ nữ và có thể gây ra những biến chứng nguy nhiểm. Vậy ai có nguy cơ mắc bệnh sỏi mật?

Mật do gan tạo ra và được dự trữ trong túi mật. Những thành phần cơ bản trong mật là muối mật, bilirubin, và cholesterol. Sỏi mật được hình thành là do mất cân bằng các thành phần này. Có hai loại sỏi mật thường được hình thành là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật.

Sỏi cholesterol: Tạo thành khi có rối loạn về cholesterol, acid mật, lecithin (như gia tăng dị hoá cholesterol gan, ăn nhiều thức ăn giàu cholesterol, giảm biến đổi cholesterol thành acid mật). Có nhiều yếu tố thúc đẩy sự hình thành sỏi: tuổi, giới (nữ gấp 3 lần nam), chủng tộc, gia đình, bệnh tật (béo phì), thuốc (ngừa thai, hạ mỡ máu) ăn uống (quá thừa năng lượng).

Sỏi sắc tố mật: Tạo thành khi nồng độ bilirubin không liên hợp trong mật gia tăng. Đây là trường hợp huyết tán trong xơ gan. Sỏi có màu đen. Hoặc hình thành do hậu quả của giun chui ống mật hay nhiễm khuẩn đường ruột. Sỏi có màu nâu.

Ngoải ra, sỏi muối mật tạo thành do kết tinh muối mật. Có màu đỏ, dễ kết hợp với calci.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Ai có nguy cơ mắc bệnh sỏi mật

Phụ nữ sau khi sinh: Do những thay đổi nội tiết tố khác nhau trong cơ thể, tình trạng tăng mức progesterone cũng là một trong những sự thay đổi đó. Progesterone là hoạt chất có tác dụng giúp cơ bắp thư giãn và ảnh hưởng đến hoạt động của túi mật cụ thể là làm chậm quá trình lưu thông mật và gây sỏi mật.

Béo phì và giảm cân nhanh: Việc tăng cân quá nhiều trong quá trình mang thai cũng có thể là một lý do gây nên sự hình thành sỏi mật. Vì lúc này cholesterol tăng lên làm tăng nguy cơ phát triển sỏi mật. Tương tự, giảm cân đột ngột làm lượng cholesterol thừa sẽ được tích lũy trong mật và hình thành sỏi mật.

Sinh con muộn: Những phụ nữ mang thai sau tuổi 35 thường đối diện với nguy cơ cao phát triển sỏi mật và nếu bạn là một người thừa cân hoặc béo phì thì tỷ lệ này tăng lên gấp đôi. Vì theo các bác sĩ, người lớn tuổi thướng có nguy cơ bị sỏi mật cao hơn và có sức đề kháng yếu hơn.

Di truyền: Nghiên cứu cho thấy, gen di truyền có liên quan đến sự hình thành sỏi mật của các thành viên trong gia đình.

Dấu hiệu bệnh sỏi mật

Đa số những người bị sỏi mật đều không biết. Những cục sỏi “thầm lặng” không gây bất cứ triệu chứng gì và thường được tình cờ phát hiện trong những dịp thăm khám khác – chẩn đoán bằng siêu âm hoặc siêu âm ổ bụng.

Một số dấu hiệu cảnh báo sỏi mật, bao gồm: đau xuất hiện ở vùng trên bên phải hoặc vùng trên giữa bụng. Đau có thể xuất hiện rồi thuyên giảm, và đặc biệt có thể thấy rõ sau khi ăn; đau có thể lan ra sau lưng hoặc đau từ dưới lan lên vùng xương bả vai phải; có thể có cảm giác đau mơ hồ, đau cứng bụng hoặc đau nhói; đau thường đi kèm với sốt hoặc vàng da (vàng mắt và vàng da); có thể buồn nôn hoặc nôn; có thể đi đại tiện ra phân màu đất sét.

Sỏi mắc bên trong ống dẫn mật cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, kể cả viêm túi mật cấp, viêm mật hoặc viêm đường dẫn mật.  

Biện pháp phòng ngừa sỏi mật

- Giảm mỡ: Cần hạn chế các thực phẩm cholesterol như phủ tạng động vật, trứng...

- Tăng đạm để tăng tạo tế bào gan đã bị tổn thương, chống thoái hóa mỡ tế bào gan.

- Giàu đường bột: Thức ăn này dễ tiêu, lại không ảnh hưởng đến mật. Nhiều chất xơ lại giúp tiêu hóa tốt tránh táo bón.

- Giàu vitamin C và nhóm B (để tăng chuyển hóa chất mỡ và đường bột). Dùng rau và hoa quả tươi rất tốt.

- Hạn chế: Trà, cà phê, cacao, chocolate; thịt cá nhiều mỡ, dầu cọ, dầu dừa, phủ tạng động vật. Hạn chế ăn lòng đỏ trứng.

- Nên ăn nhiều các loại thực phẩm: Nước quả, hoa quả tươi các loại, rau tươi, bánh kẹo ít trứng bơ, các loại thịt cá nạc như nạc thăn lợn, thịt bò, cá quả, cá chép, các loại đậu đỗ như đậu tương, đậu xanh, đậu đen. Ngoài ra có một số thức ăn lợi mật như nghệ, lá chanh, có thể dùng được.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc