Vitamin A: Dinh dưỡng có thể thành chất độc

12:20, 13/07/2013
|

(VnMedia) - Vitamin A là dưỡng chất rất cần thiết cho cơ thể con người, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến thị lực suy giảm, suy giảm miễn dịch, giảm chiều dày lớp vảy ở da, bệnh da gà… Tuy nhiên, quá thừa vitamin A, nó sẽ trở thành chất độc, gây hại cho cơ thể.

 

Nếu thiếu vitamin A sẽ gây khô da ở màng tiếp hợp, khi lan tới giác mạc thì làm khô giác mạc, nặng hơn sẽ làm thủng giác mạc và dẫn tới mù lòa. Thiếu vitamin A còn gây sừng hóa nang lông, bề mặt da thường nổi gai; Làm giảm tốc độ tăng trưởng, giảm sức đề kháng với bệnh tật.

 

Do vitamin A hòa tan trong chất béo, việc thải lượng dư thừa đã hấp thụ vào từ ăn uống khó hơn so với các vitamin hòa tan trong nước. Do vậy, quá liều có thể dẫn tới ngộ độc vitamin A. Nó có thể gây buồn nôn, vàng da, dị ứng, chứng biếng ăn, nôn, nhìn mờ, đau đầu, tổn thương cơ, uể oải và thay đổi tính tình.

Ngộ độc cấp tính nói chung xảy ra ở liều 25.000 IU/kg và ngộ độc kinh niên diễn ra ở 4.000 IU/kg mỗi ngày trong thời gian 6-15 tháng. Tuy nhiên, ngộ độc ở gan có thể diễn ra với các mức thấp tới 15.000 IU/ngày, với liều gây ngộ độc trung bình là 120.000 IU/ngày. Ở người có chức năng thận suy giảm thì 4.000 IU/kg mỗi ngày cũng có thể gây ra với các tổn thương đáng kể. Việc uống nhiều rượu cũng có thể làm gia tăng độc tính của vitamin A.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.



Chức năng cơ bản của vitamin A đối với cơ thể:


- Bảo vệ mắt: Giúp cho các tế bào trong một loạt cấu trúc của mắt luôn khỏe mạnh. Ngoài ra, nó còn rất quan trọng đối với sự biến đổi ánh sáng thành các tín hiệu thần kinh trong võng mạc, giúp võng mạc nhận biết được các hình ảnh khi thiếu ánh sáng. Nếu thiếu vitamin A, khả năng nhìn của mắt lúc ánh sáng yếu sẽ bị giảm. Hiện tượng này thường xuất hiện vào lúc trời nhá nhem tối, được gọi là chứng “quáng gà”.


- Đối với da: Vitamin A cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô giác mạc và các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, các tuyến nước bọt, ruột non, tinh hoàn... Khi thiếu vitamin A, sự sản xuất các niêm dịch bị giảm, da bị khô và xuất hiện sừng hóa, biểu hiện này thường thấy ở mắt, lúc đầu là khô kết mạc rồi tổn thương đến giác mạc, nặng hơn sẽ làm thủng giác mạc và dẫn đến mù lòa.


- Đối với sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ: Vitamin A có ảnh hưởng tới những gen quyết định sự phát triển liên tiếp của một số cơ quan trong quá trình phát triển phôi thai. Với trẻ em, vitamin A giúp phát triển chiều cao và cân nặng, thiếu vitamin A làm xương mềm và mảnh hơn bình thường, quá trình vôi hóa bị rối loạn. Thiếu vitamin A, trẻ sẽ chậm phát triển về thể chất hơn so với trẻ bình thường cùng lứa tuổi.


-Đối với hệ miễn dịch: Vitamin A cần cho chức năng của tế bào võng mạc, biểu mô - hàng rào quan trọng bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài. Hai hệ thống đáp ứng miễn dịch của cơ thể con người (miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào) đều chịu ảnh hưởng của vitamin A và các chất chuyển hóa của chúng.


Ngoài ra, vitamin A còn cần thiết cho chức năng sinh sản, vì nó gây ảnh hưởng lên chức năng và sự phát triển của tinh trùng, buồng trứng và nhau thai. Như vậy với mọi lứa tuổi, đặc biệt với phụ nữ có thai và trẻ em thì vitamin A là rất cần thiết.


* Vitamin A (retinol) có nhiều trong gan, thận, sữa, trong các loại thức ăn bổ sung vitamin A, còn tiền vitamin A (beta-caroten) có nhiều trong thực vật (củ cà rốt, màng hạt gấc...). Nếu cần bổ sung vitamin A (bằng ăn uống hay dùng thuốc), cần theo liều khuyến cáo mỗi ngày nam là 3.000 IU, nữ 2.300 IU vitamin A.

Nếu không có bệnh tật gì về đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thì với mức ăn uống bình thường đã đủ hoặc ít nhất cũng đảm bảo được 50% nhu cầu vitamin A. Chỉ thiếu khi thức ăn quá nghèo hay hấp thu kém hoặc khi nhu cầu tăng khi bị bệnh mắt, bị bỏng... Đối với trẻ đã uống vitamin A trong chương trình bổ sung vi chất dinh dưỡng (6 tháng một lần) thì không cần dùng thêm bất cứ loại thuốc chứa vitamin A nào nữa.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc