(VnMedia) - Hầu hết chị em mang bầu đều cố gắng ăn uống, tẩm bổ để mong có con sinh ra khỏe mạnh. Nhưng sự tẩm bổ quá mức khiến ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thai kỳ, thậm chí nguy hại đến thai nhi.
Lúc mang bầu đương nhiên một chế độ ăn cho 2 người là cần thiết, nhưng chúng ta cần hiểu rõ thế nào là ăn cho 2 người, không nên quá lạm dụng. Nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh cho việc lạm dụng chế độ ăn cho 2 người không chỉ không giúp ích cho thai phụ mà còn gây hại cho chính sức khoẻ thai kỳ, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Theo Ths. Bs. Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, giai đoạn mang bầu chúng ta vẫn cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho chức năng sống của một người phụ nữ trưởng thành, đồng thời phải đảm bảo dưỡng chất để cho thai nhi phát triển tốt. Tuy nhiên, không vì nghĩ như vậy mà chúng ta ăn uống thái quá. Việc ăn quá nhiều dẫn đến thừa năng lượng.
Khi tầm bổ quá mức thai phụ có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ. Rất nhiều trường hợp sau khi sinh vẫn nói rằng tầm bổ không vào con mà vào hết mẹ, gây ra tình trạng béo phì ở mẹ. Cũng có rất nhiều trường hợp các bà mẹ quá tẩm bổ trong giai đoạn mang thai làm cho thai quá to, dẫn đến khó sinh con, phải sinh mổ.
Vậy phụ nữ khi mang thai tăng bao nhiêu cân là đủ? Các nhà chuyên môn đã đưa ra mức khuyến cáo tăng cân nặng cho các sản phụ như sau:
-Mẹ có cân nặng bình thường trước khi mang thai thì nên tăng từ 11,3 - 16 kg.
-Nếu người mẹ thiếu cân trước khi mang thai thì nên tăng từ 12,7 - 18,3 kg.
-Trường hợp mẹ dư thừa cân trước khi mang thai nên tăng từ 7 - 11,3 kg.
-Nếu mang song thai thì nên tăng từ 16 - 20,5 kg.
-Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, người mẹ nên tăng 1kg, ba tháng giữa tăng 5kg, ba tháng cuối tăng 6kg. Trong 3 tháng cuối và giữa thai kỳ nên tăng trung bình 0,3 kg - 0,5 kg/ 1 tuần.
Phụ nữ mang thai nên sử dụng các thực phẩm giàu dinh dưỡng, hạn chế ăn quà vặt hoặc các loại nước giải khát không có năng lượng.
Ý kiến bạn đọc