Những câu nên tránh khi cãi nhau

20:19, 30/07/2013
|

Tranh cãi tích cực giúp cho tình cảm thêm gắn bó. Nhưng nếu bạn vì cái tôi cá nhân quá lớn mà rơi vào kiểu đôi co hiếu thắng thì sẽ rất dễ thốt ra những lời có sức sát thương lớn gây tổn hại nghiêm trọng đến đối phương.

“Tôi muốn ly hôn” 

Trong lúc cáu giận người ta dễ nói ra những điều mà thực tâm không nghĩ thế, song những lời đã nói ra rồi thì thật khó mà lấy lại, bất kể sau đó bạn có xin lỗi đến bao nhiêu lần. Các chuyên gia khuyên bạn chỉ nên thốt ra câu này khi đã hoàn toàn sẵn sàng đặt bút ký.

“Tôi không điên!”

Thế thì tại sao bạn lại trừng mắt, đóng sầm cửa và gằn giọng nhát gừng trước mỗi câu hỏi của đối phương? Đóng chặt cánh cửa, cố gắng phớt lờ mọi cảm xúc của bản thân là phản ứng thường thấy trong các cuộc xung đột. Ai cũng muốn được người khác chấp nhận, không muốn người khác khó chịu với mình. Song đôi khi, thật khó hiểu tại sao bản thân ta lại là kẻ khó chịu, tức giận vì những lý do không đâu. Sẽ tốt hơn nếu bạn im lặng trong lúc cơn giận đang bốc lên ngùn ngụt và chỉ mở lời lúc đã hạ hỏa, vậy sẽ bớt “điên” hơn.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.

“Anh giống hệt bố anh”

 Thường cánh phụ nữ sẽ dùng sự so sánh này khi muốn nói đến những đặc điểm tiêu cực, và cách so sánh của bạn khiến anh ấy thấy không được nhìn nhận là chính mình. Ai cũng muốn được xem là một cá thể độc lập, bạn đang làm tổn thương lòng tự trọng của chồng. Đàn ông không thích bị đem ra so sánh với bất cứ ai.

“Nhìn đi, anh làm thằng bé sợ phát khóc rồi”

Khi con bắt đầu khóc, bạn bắt đầu đổ hết lỗi cho người kia. Song bạn có nghĩ, một người thì không thể làm nên cuộc tranh cãi? Nếu đứa trẻ bắt đầu cảm thấy sợ hãi và khóc ré lên, thì đó là vì cả hai bố mẹ đang trở nên mất kiểm soát. Tốt nhất là tìm cách giúp con bình tĩnh hơn, giúp cả bạn hạ nhiệt nữa, hai người sẽ bắt đầu nói lại mọi chuyện với một thái độ tích cực hơn.

Nếu con bạn đã đủ lớn, đừng cố tình giải thích rằng bố mẹ không phải đang cãi nhau (rõ ràng các bạn đang cãi vã còn gì). Hãy cho con biết rằng cả bố và mẹ đều có đôi chút mất bình tĩnh, nhưng bố mẹ vẫn yêu nhau và sẽ giải quyết được vấn đề.

“Anh lần nào cũng thế!”

Những bất đồng nho nhỏ sẽ trở thành chuyện lớn khi ta cứ mang nó vào cuộc tranh cãi hết lần này đến lần khác. Nhớ rằng, khi bạn đã tha thứ cho ai về chuyện gì đó, điều này đồng nghĩa với bạn không thể đay lại chuyện đó trong cuộc tranh cãi mới. Nếu bạn thấy mình luôn rơi vào vòng tròn luẩn quẩn của “tranh cãi mới, lý do cũ”, thì đấy có thể là dấu hiệu cho thấy bạn nên tìm một  giải pháp khác đi.

“Tất cả là lỗi tại anh!”

Anh ấy chính là người nói “chúng ta chỉ cần ra sân bay sớm nửa tiếng trước khi máy bay cất cánh”. Bạn thì muốn ra sớm khoảng hai tiếng cho chắc ăn. Và bây giờ, cả hai người ở đó, lỡ chuyến bay.

Bạn thấy điên cả tiết, nhưng anh ấy cũng chẳng vui gì. Cho nên thay vì đổ lỗi, tốt nhất hãy tìm cách giải quyết vấn đề trước mắt. Bạn có thể giải thích hành động của anh ấy khiến bạn cảm thấy như thế nào sau. Ví dụ: “Em thấy anh đã không chịu khó lắng nghe em, lúc đó em nghĩ cứ theo phương án của anh cho mọi chuyện đơn giản, nhưng lẽ ra em nên lên tiếng”. Cách nói này cho thấy bạn có nhận phần trách nhiệm của mìnha. Trong cuộc trò chuyện đầy tính xây dựng, hãy đưa ra giải pháp để tránh lâm vào cảnh này trong những lần sau.


Mạnh Trần

Ý kiến bạn đọc