(VnMedia) - Gừng là một loại gia vị phổ biến được sử dụng trong chế biến các món ăn. Ngoài ra, gừng còn có nhiều tác dụng quý được ứng dụng để làm thuốc.
Y học hiện đại đã nghiên cứu, chứng minh kinh nghiệm dân gian của các nước châu Á về việc sử dụng gừng làm thuốc và phát hiện nhiều tác dụng quý của củ gừng.
Theo y dược học hiện đại, gừng có tinh dầu 2% - 3%, chất nhựa 5%, chất béo 3% tinh bột và các chất cay như zingeron, shogaola. Vì vậy, gừng và tinh dầu chiết xuất từ gừng mang lại nhiều công dụng sức khỏe.
Gừng tươi trong Đông y còn được gọi là sinh khương. Gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng giải độc hoặc kích thích tiêu hóa. Cả gừng tươi và gừng khô đều có thể ứng dụng để làm thuốc.
GS. Dương Trọng Hiếu, Phòng khám Đông y Phương Quán, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, trong các món lạnh như thịt bò, thịt trâu chắc chắn phải có gừng vì gừng làm cho món ăn tăng tính nóng lên, làm át tính lạnh không mong muốn của thịt bò, thịt trâu, như vậy gừng sẽ trung hoà giữa tính nóng và lạnh trong món ăn.
Nếu nướng củ gừng rồi thái lát mỏng, dùng pha nước uống thì sẽ có tác dụng làm ấm bên trong, chống lại cái lạnh ở bên trong cơ thể (lạnh bên trong thường gây đầy bụng, chướng bụng, chán ăn, chậm tiêu).
Mỗi khi thời tiết thay đổi hay khi huyết áp tăng cao đột ngột có thể dùng gừng tươi giã dập, pha thêm một chút rượu trắng hòa cùng nước nóng rồi ngâm chân trong khoảng 15 - 20 phút. Mặc dù tiếp xúc bên ngoài chân nhưng thông qua các huyệt đạo ở lòng bàn chân sẽ khiến máu lưu thông tốt hơn, theo đó huyết áp sẽ từ từ hạ xuống. Khi cơ thể bị nhiễm lạnh, cảm cúm có thể pha 1 cốc nước gừng nóng ấm thêm một chút đường để uống.
Gừng - vị thuốc nam dân giã mà rẻ tiền, chúng ta nên tận dụng những công dụng quý của nó.
Ý kiến bạn đọc