(VnMedia) - Vì không có triệu chứng đặc trưng rõ ràng nên việc phòng ngừa bệnh tuyến giáp là tương đối khó. Dưới đây là những lưu ý cần thiết giúp bạn phòng bệnh về tuyến giáp.
Tuyến giáp trạng thường được gọi tắt là tuyến giáp, nằm trước cổ. Tuyến giáp có nhiệm vụ chính là tiết ra hoóc môn giáp, có tác dụng điều hoà, chuyển hoá năng lượng, sự tăng trưởng của cơ thể, sự phát triển của hệ thần kinh tâm thần.
Nếu thiếu hoóc môn giáp người bệnh rơi vào tình trạng suy giáp, các chuyển hoá trong cơ thể chậm lại, làm cho suy nghĩ chậm lại, nói ít, ít vận động. Nếu dư hoóc môn giáp gọi là tình trạng cường giáp. Người bệnh có những triệu chứng ngược lại theo hướng chuyển hoá quá mức như: dễ cáu gắt, ít ngồi yên, sụt cân, uống nhiều, tiểu nhiều, cảm giác nóng nực, hay đổ mồ hôi.
Theo Ths. Bs. Trần Ngọc Hùng, Phó trưởng khoa ung bướu, Bệnh viện 198, bệnh lý tuyến giáp chủ yếu do nguyên nhân thiếu hụt iốt trong nước uống, thức ăn và trong không khí. Ngoài ra, thế giới chỉ ra bệnh lý tuyến giáp có thể do ăn nhiều một số chất khác trong các rau họ cải (như: của cải, bắp cải, hay ăn sắn nhiều, ăn hạt kê); do môi trường sống ô nhiễm, thiểu năng dinh dưỡng hoặc nhiễm trùng.
Những dấu hiệu liên quan đến tuyến giáp thường bị hiểu nhầm bởi hầu như ít người bệnh có hiểu biết về tuyến giáp. Và vì không có triệu chứng đặc trưng rõ ràng nên việc phòng ngừa bệnh tuyến giáp là tương đối khó. Nếu muốn biết mình có nguy cao bị các loại bệnh tuyến giáp có di truyền hay không bạn nên đi làm xét nghiệm máu.
Những người nào được phát hiện có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp có thể cần phải cắt bỏ tuyến giáp để phòng ung thư dù chưa có triệu chứng gì cả. Đối với những người bình thường nên đi khám sức khoẻ mỗi năm một lần nếu bạn trên 40 tuổi, hoặc 3 năm một lần nếu bạn từ 20 - 39 tuổi để phát hiện bệnh.
Ý kiến bạn đọc