Cách nhận biết bún "độc"

13:14, 27/07/2013
|

Gần đây, câu chuyện bún, bánh canh, bánh phở… chứa hóa chất độc hại khiến người tiêu dùng lo ngại, hoang mang về tình trạng sử dụng hóa chất trong thực phẩm một cách tùy tiện. Vậy làm thế nào để phân biệt bún sạch và bún có chứa hóa chất?


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) đã công bố kết quả khảo sát nhanh chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của các loại sản phẩm tươi chế biến từ gạo đều chứa chất làm trắng huỳnh quang (Tinopal).

Theo đó, từ ngày 15 đến 25/6/2013, Trung tâm trên đã lấy 30 mẫu khảo sát từ 6 loại là bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt được mua ngẫu nhiên tại 9 cơ sở bán thực phẩm (4 siêu thị, 4 chợ ở trung tâm thành phố và 1 cửa hàng). Kết quả cho thấy, có đến 24/30 mẫu, chiếm tỷ lệ 80% số lượng mẫukhảo sát có sự hiện diện của chất làm trắng quang học.. Với kết quả này, người tiêu dùng không khỏi lo ngại.

Theo các chuyên gia, mặt hàng bún rất khó kiểm tra chất lượng sản phẩm, hầu hết người dân mua ở cơ sở sản xuất quen và tin tưởng người bán, có kiểm tra thì cũng chỉ bằng cảm quan như quan sát, ngửi mùi.

Do vậy, ngoài việc dùng đèn tia cực tím kiểm tra, theo các chuyên gia an toàn thực phẩm, bún không hóa chất sẽ có màu như của cơm, không quá trắng, không quá dai và ăn vào phải có mùi tinh bột của gạo.

Các chuyên gia hướng dẫn, người tiêu dùng khi mua bún nên chú ý quan sát. Ngoài ngửi mùi, nếu nhìn thấy bún có màu trắng bất thường thì không nên mua.

Người mua có thể dùng đèn cực tím chiếu thẳng vào chỗ bún tươi, nếu thấy bún phát sáng là người sản xuất có dùng chất Tinopal tẩy trắng, không nên mua. Hoặc nghiêng bún dưới nắng, nếu thấy sợi bún bóng bẩy, óng ánh thì không nên mua.

Để tránh bún có hàn the, có thể dùng que thử, hoặc cho vào chút bột nghệ, nếu thấy bún chuyển sang màu xám thì là bún có hàn the.

Cũng bằng cảm quan, nếu thấy cọng bún quá sáng bóng mẩy thì cũng có khả năng bún được xử lý bằng hóa chất. Sợi bún không có hóa chất thường không thể quá “mượt mà”. Gạo không dùng hóa chất cũng sẽ không thể cho sợi bún quá dai. Bún không dùng hóa chất cũng dính hơn.

Ngoài ra, nếu bún làm từ gạo thì dễ bị chua, chính vì thế người bán muốn bảo quản thì phải bảo quản ở nhiệt độ thấp hoặc thoáng mát. Nên nếu bún để ngoài chợ với nhiệt độ cao, để đến cuối ngày mà ngửi vẫn không chua hỏng thì có khả năng đã được xử lý hóa chất.

Nếu mua bún khô xem xét kỹ bao bì để kiểm tra nguồn gốc rõ ràng, nhãn hiệu, bao bì in rõ địa chỉ, tên của nhà sản xuất, cơ sở chế biến, hạn sử dụng…


Minh Hải

* Theo hướng dẫn của Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) cho biết để nhận biết bún có chứa hóa chất huỳnh quang tinopal, người mua có thể dùng đèn cực tím (loại dùng để soi tiền giả) soi vào bún. Nếu cọng bún phát sáng thì có nhiễm Tinopal.


Ý kiến bạn đọc